MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đoàn công tác đại diện Công an huyện Mỹ Đức đến nhà xin lỗi người dân. Ảnh: Công an TP Hà Nội.

Lời xin lỗi ở Mỹ Đức

Quỳnh Chi LDO | 29/06/2023 17:21

Hình ảnh lãnh đạo, cán bộ Công an huyện Mỹ Đức (TP Hà Nội) đến nhà người dân gặp gỡ và nói lời xin lỗi bởi sai phạm của 3 chiến sĩ bắn chết dê vào ngày 26.6 vừa qua thể hiện sự thẳng thắn, dám nhận sai và sẵn sàng nhận lỗi trước người dân trong bất cứ tình huống nào.

Ngay sau khi sự việc bắn chết dê tại huyện Mỹ Đức xảy ra, Trung tướng Nguyễn Hải Trung – Giám đốc Công an TP Hà Nội đã nhanh chóng chỉ đạo điều tra và xử lý cá nhân sai phạm, đồng thời chỉ đạo lãnh đạo Công an huyện Mỹ Đức phải trực tiếp xuống nhà người dân để gặp và xin lỗi. Quan điểm, sự chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho thấy sự quyết liệt trong công tác điều hành, sự thẳng thắn đối diện với cái sai của đội ngũ cán bộ cấp dưới, sự minh bạch với những cái sai đã xảy ra.

Thế giới trân trọng người Nhật Bản một phần bởi họ là những con người dám xin lỗi. Xin lỗi đối với người Nhật đã trở thành văn hoá và là một yếu tố quan trọng trong hoạt động cộng đồng của đất nước này. Văn hóa xin lỗi của người Nhật Bản thể hiện đức tính khiêm tốn, được đánh giá rất cao ở trong nước và được các nền văn hoá khác rất tôn trọng. Với người Nhật, việc xin lỗi chưa hẳn là việc nhận mình sai mà có khi nó thể hiện thái độ tích cực, cầu tiến, có ý thức trách nhiệm.

Đối với người Việt Nam, xưa nay đều răn dạy con trẻ phải biết “cảm ơn” khi được ai đó quan tâm, giúp đỡ và phải biết “xin lỗi” khi mắc khuyết điểm. Đây là nét văn hóa trong phong cách ứng xử của con người. Biết nói lời xin lỗi là tự nhắc nhở mình trước những sai phạm, đồng thời hứa với người khác hành động này không còn tái diễn nữa.

Dù là văn hoá ở xứ sở nào đi nữa, một lời xin lỗi vụng về vẫn tốt hơn im lặng. Nhận ra lỗi lầm để sửa chữa, mong được tha thứ sẽ làm dịu cơn giận dữ hoặc nỗi đau của người khác. Lời xin lỗi chân thành có thể cứu vãn được sự việc đáng tiếc có thể đã xảy ra, nó giúp cho cuộc sống của chúng ta được an lành, hạnh phúc hơn.

Việc Trung tướng Nguyễn Hải Trung chỉ đạo lãnh đạo Công an huyện Mỹ Đức xuống tận nhà dân để gặp mặt và xin lỗi không chỉ đơn giản là điều lệnh trong lực lượng vũ trang, chỉ đạo của người đứng đầu đối với cấp dưới mà cao hơn là nét văn hoá tốt đẹp mà mỗi người Việt Nam ta luôn có. Cách ứng xử nhìn thẳng vào vấn đề, nhận lỗi và xin lỗi là nét văn hoá vô cùng đáng trân trọng.

Trong giai đoạn hiện nay, việc tiến hành xin lỗi tổ chức, công dân và hành động để sửa chữa lỗi sai của mình trong thực thi công vụ được xem là một biểu hiện của văn hóa công vụ trong giai đoạn mới. Bởi lẽ, văn hóa công vụ “là một hệ thống những giá trị, cách ứng xử, biểu tượng, chuẩn mực được hình thành trong quá trình xây dựng và phát triển công vụ, có khả năng lưu truyền và có tác động tới tâm lý, hành vi của người thực thi công vụ…".

Đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ nếu có sai sót, khiếm khuyết mà chân thành xin lỗi và kịp thời có hành động sửa sai, thì đó là giá trị và là một bộ phận của văn hóa công vụ trong giai đoạn hiện nay.

Sự việc xảy ra tại Mỹ Đức là điều đáng tiếc, cá nhân sai phạm đáng bị xử lý nghiêm nhưng nhân dân luôn giàu lòng bao dung và sẵn sàng đón nhận tình cảm chân thành của những người dám nhận lỗi. Quan điểm, sự chỉ đạo của người đứng đầu lực lượng Công an TP Hà Nội cho thấy trong bất cứ tình huống nào, phải nhìn thẳng vào sự thật, sai ở đâu xử lý ở đó, có sai thì dám nhận lỗi và xin lỗi. Đây cũng là nét văn hoá tốt đẹp được gìn giữ lâu nay trong cuộc sống của người Việt Nam...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn