MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ruộng nuôi tôm thẻ chân trắng với thiết bị sục khí ao nuôi. Ảnh: K.Q

Long An: Yêu cầu cắt điện hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng tự phát

Kỳ Quan LDO | 17/07/2020 14:54
Nhiều hộ dân vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An đã chuyển nhiều diện tích đất trồng lúa sang nuôi tôm thẻ chân trắng không đúng theo quy hoạch của địa phương. Chính quyền địa phương đang thực hiện nhiều biện pháp ngăn việc làm tự phát trên, trong đó có biện pháp cắt điện các hộ nuôi tôm trái phép.

Bên cạnh sản xuất lúa là ngành hàng chủ lực, vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An còn là vùng nuôi thủy sản nước ngọt như cá lóc, cá trê, cá tra,...

Vào năm 2018, một số hộ dân ở xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa đã đào ao trên đất trồng lúa để nuôi tôm thẻ chân trắng, diện tích khoảng 3ha. Do tôm thẻ chân trắng phù hợp môi trường nước mặn, nên người dân khoan giếng khai thác nguồn nước mặn tại chỗ, đồng thời bổ sung muối vào ao nuôi.

Hiệu quả nuôi tôm thẻ chân trắng ban đầu khá cao, gấp nhiều lần trồng lúa, lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/vụ/ha. Từ đó phong trào đào đất trồng lúa để nuôi tôm lan rộng ra nhiều xã của huyện Mộc Hóa và các huyện khác của tỉnh Long An như Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Tân Hưng, TX.Kiến Tường… Đến nay, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An đã tăng lên hơn 90ha.

Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh Long An, hoạt động nuôi tôm thẻ chân trắng của người dân hiện nay là tự phát, không có quy hoạch, định hướng của chính quyền địa phương. Việc chuyển đất trồng lúa sang nuôi tôm thẻ chân trắng không tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai; việc tự khoan giếng khai thác nước mặn để phục vụ nuôi tôm cũng không đúng quy định. Do kết cấu hạ tầng nuôi tôm không phù hợp, chi phí đầu tư trong quá trình nuôi cao, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, bùng phát dịch bệnh, gây thiệt hại cho người nuôi…

Theo UBND huyện Mộc Hóa, diện tích nuôi tôm thẻ tự phát trên địa bàn huyện hiện khoảng 46ha cùng với 67 giếng khoan khai thác nước mặn trái phép. UBND huyện đang xử lý nghiêm các trường hợp đào ao, khoan giếng trái phép để nuôi tôm; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tục đào ao và thả nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt, chuyển đổi sang nuôi đối tượng thủy sản nước ngọt khác.

Các ao nuôi tôm luôn cần có máy sục khí để tăng lượng ôxy hòa tan trong nước, giúp tôm phát triển. Để ngăn người dân nuôi tôm thẻ chân trắng, chính quyền địa phương còn yêu cầu Điện lực Mộc Hóa không giải quyết cấp điện cho các hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt trên địa bàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn