MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhóm tình nguyện mở lớp học tình thương Rạch Ông giúp các em không được đến trường cũng có thể biết chữ. Ảnh TK.

Lớp học đặc biệt của những đứa trẻ “khôi ngô” chưa một lần đến trường

Phúc Khanh LDO | 01/01/2020 13:06

Chứng kiến những đứa trẻ đang ở tuổi đi học phải ở nhà phụ giúp gia đình, nhóm tình nguyện trẻ đã sáng lập lớp học tình thương Rạch Ông (ở khu phố 3, quận 7, TPHCM) để mang chữ nghĩa đến cho các em vào mỗi buổi tối.

Trò chuyện với PV Lao động, anh Danh Tuấn Anh - trưởng nhóm tình nguyện cho biết, lớp học được thành lập từ năm 2014 với khoảng 10 em không biết chữ. Ban đầu, lớp học được tổ chức 3 buổi/tuần vào thứ 2, 4, 6 tại một nhà kho ở Nhà văn hoá khu phố 3. 

Đến nay, lớp học đã có hơn 30 em từ 7-14 tuổi được giảng dạy bởi các tình nguyện viên chuyên môn Toán, tiếng Việt, Anh văn, mỹ thuật, kỹ năng sống,…

Giờ học bắt đầu từ 18h30-20h30 từ thứ 2 đến thứ 6. Mặc dù cơ sở vật chất còn hạn chế, ban ngày các em phải ở nhà phụ giúp gia đình nhưng lớp học luôn diễn ra đúng giờ. 

Hiện có 2 lớp học tình thương Rạch Ông với khoảng hơn 30 theo học. Ảnh TK. 

“Lớp học có được như ngày hôm nay, là nhờ có sự hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập, bàn ghế,… từ các mạnh thường quân và chính quyền địa phương để các em được nhận biết chữ nghĩa” - anh Danh Tuấn Anh cho biết thêm.

Lớp học luôn được diễn ra đúng giờ. Ảnh TK. 

Nhớ lại những ngày đầu mở lớp, chị Dương Nguyễn Thuỳ Linh dạy môn tiếng Việt bồi hồi nói: “Khi nhóm tình nguyện tìm đến khu phố 3, nhìn thấy cuộc sống của các em rất khó khăn, hầu hết đều không biết chữ. Từ đó, cả nhóm nảy sinh ý định sẽ mở một lớp học nhằm xóa mù chữ cho các em. Nghĩ là làm, ngay sau đó lớp học tình thương Rạch Ông đã được thành lập”.

Theo anh Danh Tuấn Anh - trưởng nhóm tình nguyện, các em rất ngoan và chịu khó học hỏi. Ảnh TK. 

Theo chị Linh, ban đầu nhóm gặp rất nhiều khó khăn bởi hầu hết cha mẹ của các em không đồng ý cho con đến lớp. Sau thời gian vận động, dần dần cha mẹ các em mới yên tâm cho đến lớp học. Đến nay, họ nhận thấy con em có sự phát triển và nhận thức khác hẳn so với trước nên càng tin tưởng lớp học hơn.

Đồ dùng học tập của các em được một số nhà hảo tâm quyên góp. Ảnh TK. 
Một số em ban ngày phải phụ giúp gia đình, buổi tối mới có thời gian đến lớp học cùng các bạn. Ảnh TK. 

Được biết, lớp chỉ hoạt động vào các buổi tối vì ban ngày các em còn phải phụ giúp gia đình, thậm chí một số em nhỏ còn làm thuê bên ngoài. Hiện tại, các em được chia thành 2 lớp học, một lớp tiếp thu khá nhanh và một lớp tiếp thu chậm hơn. 

Mặc dù cơ sở vật chất chưa được đầy đủ, nhưng trên kệ sách luôn có những quyển truyện, quyển sách mới giúp các em nâng cao kiến thức. Ảnh TK. 

Theo học từ những ngày đầu thành lập, em Lê Văn Nghĩa (12 tuổi, ở khu phố 4) chia sẻ: “Hồi xưa, nhìn các bạn được đến trường và biết đọc, biết viết em thích lắm, nhưng nhà nghèo không có tiền nên phải ở nhà giữ em. Nhờ có thầy, cô ở đây chỉ dạy mà em mới biết đọc, biết viết. Ngoài ra, em còn giải được mấy bài toán lớp 4 và học thêm kỹ năng sống. 

  Ngoài học chữ, những em nhỏ còn được học thêm mỹ thuật. Ảnh TK.

Em Nguyễn Thị Nhi (10 tuổi) vui vẻ nói, các thầy cô ở đây rất nhiệt tình, luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng em. Các bạn đến lớp học không phải tốn tiền mua sách, vở, dụng cụ học tập. Lâu lâu còn được liên hoan, ăn bánh kẹo, uống nước ngọt thoải mái. Đến lớp học vừa vui chơi với các bạn, lại còn được biết chữ.

Bên cạnh đó, không thiếu những gói bánh, kẹo để động viên tinh thần cho các em. Ảnh TK. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn