MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lũ đã làm chết nhiều gia súc của nông dân xã Hòa Thành, TX Đông Hòa, Phú Yên. Ảnh: PU

Lũ nhấn chìm miền Trung, nhưng sẽ không ai chịu trách nhiệm ngoài ông trời

Thanh Hải LDO | 03/12/2021 17:45
Cả lãnh đạo các nhà máy thủy điện bậc thang trên dòng sông Ba lẫn lãnh đạo các tỉnh Gia Lai, Phú Yên đều bất đồng quan điểm về nguyên nhân lũ chồng lũ, nhấn chìm Nam Trung Bộ. Tranh cãi trái chiều đang gay gắt, chưa hồi kết...

Đợt mưa lũ kéo dài từ tối 28.11- 1.12, gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Nhất là Phú Yên, lũ đã vượt đỉnh lịch sử (1993), làm ba người chết, sáu người mất tích, hơn 50.000 căn nhà bị ngập, hơn 18.500 người khác phải sơ tán...

Lãnh đạo Phú Yên cho rằng, một trong những nguyên nhân lũ lụt đỉnh điểm là do các thủy điện ở Tây Nguyên đồng loạt xả lũ, gây áp lực cho thủy điện hạ lưu sông Ba. Nhưng lãnh đạo các sở ngành ở Gia Lai thì phủ nhận.

Trước các tranh cãi về trách nhiệm của địa phương nào xả lũ gây ngập lụt hạ lưu, Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai Phạm Văn Binh đang kiến nghị Bộ Công Thương xem lại quy trình vận hành liên hồ chứa giữa các tỉnh...

Cuộc tranh cãi mới khởi xướng, nhưng chắc chắn sẽ khó có hồi kết, và sẽ khó buộc trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, đơn vị, địa phương nào. Bởi, xung đột lợi ích và hậu quả gây chồng lũ ở các hồ thủy điện ở miền Trung đã từng xảy ra nhiều lần. Tranh cãi, thậm chí khiếu kiện kéo dài giữa các địa phương, hồ thủy điện trên hệ thống sông Ba, sông Vu Gia, Thu Bồn, giữa Phú Yên, Gia Lai, giữa Đà Nẵng, Quảng Nam từ nhiều năm trước, đến nay vẫn không có kết quả.

Nhưng có những thực tế rất rõ là việc quản lý nguồn tài nguyên nước đang bất cập. Nước trên sông là do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý. Nhưng chặn dòng, làm hồ thủy lợi thì thuộc quyền quản lý của Bộ NN&PTNT. Khi làm hồ thủy điện thì do Bộ Công Thương quản lý. Tùy theo công suất, quy mô hồ chứa, còn giao cho từng địa phương phụ trách...

Thế nhưng khi cạn kiệt hoặc lũ trên các dòng sông này thì không thấy ai đứng lên chịu trách nhiệm.

Làm thủy điện, tất nhiên là phá rừng. Rừng bị triệt hạ cả trăm, thậm chí cả ngàn héc ta. Rừng bị phá từ trên thượng nguồn, trong lòng hồ lẫn dưới thân đập. Không có rừng để giữ nước, lũ khốc liệt hơn là đương nhiên.

Chưa kể, các hồ thủy điện miền Trung và Tây Nguyên đều xây dựng bậc thang, nhiều tầng trên 1 dòng sông, nhưng không hồ nào có cửa, van xả đáy (khác với các thủy điện ở miền Bắc). Đây là lý do mùa hạn thì hạ du bị khô kiệt, thâm nhập mặn. Mùa đông thì cũng không thể hạ mực nước để chừa dung tích đón lũ, mà phải đợi nước dâng đến ngưỡng tràn thì mới đồng loạt xả được hồ. Vì vậy, khi mưa dồn dập, cực đoan, thì tất cả các hồ đều buộc phải xả hết lưu lượng nước về. Thậm chí có thời điểm lượng xả còn lớn hơn, để phòng tránh vỡ đập. Nhất là các thủy điện ở tầng thấp nhất, hạ nguồn như thủy điện Sông Ba Hạ ở Phú Yên.

Xả lũ qua tràn ở cao trình cao hơn lòng sông hàng trăm mét, sẽ tạo ra cường độ dòng chảy mạnh bội lần so với tự nhiên. Trong cùng thời điểm mưa lớn cực đoan, lũ đang lên trên các sông, thì miền xuôi sẽ gánh lũ chồng lũ. Nhưng điều đáng buồn là sẽ không có ai chịu trách nhiệm, chỉ có mất mát của người dân là hiện hữu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn