MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tính đến tháng 6.2023, cả nước có 121.288 lao động nước ngoài đang làm việc. Ảnh minh hoạ: Lương Hạnh.

Lựa chọn phương án cấp giấy phép cho lao động nước ngoài

LƯƠNG HẠNH LDO | 18/08/2023 20:44

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất 2 phương án quy định quyền quản lý việc làm liên quan đến người nước ngoài, trong đó có cấp phép lao động. Các doanh nghiệp cho rằng, phương án 1 sẽ giúp người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuận tiện cho việc đăng ký giấy phép, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có tờ trình Chính phủ nghị định sửa đổi nghị định 152/2020 về người nước ngoài làm việc ở Việt Nam và tuyển dụng, quản lý đối tượng này.

Cụ thể, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất hai phương án quy định quyền quản lý việc làm liên quan đến người nước ngoài, trong đó có cấp phép lao động.

Phương án 1 là giao sở lao động - thương binh và xã hội quản lý lao động nước ngoài trên địa bàn. Ưu điểm là đảm bảo thống nhất quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, thu gọn đầu mối cấp phép… Tuy vậy, phương án này không linh hoạt khi UBND cấp tỉnh cần phân cấp, ủy quyền cho cơ quan khác tại địa phương thực hiện.

Phương án 2 là UBND cấp tỉnh quản lý lao động nước ngoài, trong đó có cấp giấy phép lao động trên địa bàn. Cách này có ưu điểm là giao quyền cho UBND cấp tỉnh song có thể không thống nhất quản lý nhà nước về tuyển dụng, quản lý lao động nước ngoài.

Bộ này đề xuất lựa chọn phương án 1 thực hiện về công tác quản lý lao động nước ngoài (trong đó có cấp giấy phép lao động…) tại địa phương, và trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là một đầu mối duy nhất tại địa phương.

Bà Lê Thị Hồng Minh - Đại diện Công ty TNHH Coway Vina ủng hộ theo phương án 1.

Theo bà Minh, việc giao sở lao động - thương binh và xã hội quản lý lao động nước ngoài trên địa bàn góp phần thống nhất quy định, thuận tiện cho việc đăng ký giấy phép, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người nước ngoài.

Với đề xuất không yêu cầu lao động nước ngoài phải có bằng đại học đúng chuyên ngành dự kiến làm việc, đại diện công ty này cũng cho rằng nên thực hiện.

"Nếu người lao động nước ngoài làm giám đốc kinh doanh, có kinh nghiệm trong lĩnh vực thì họ không nhất thiết phải có bằng cấp chuyên ngành như kinh tế" - bà Minh nói.

Bà Minh cũng cho rằng, việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn vào thời điểm cuối năm 2022. Bắt đầu từ đầu năm 2023, thị trường lao động đã khởi sắc. Khi tình hình kinh tế có nhiều khó khăn, các công ty, doanh nghiệp không có đơn hàng, thậm chí phải giải thể, người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp. Đó cũng chính là lý do khiến họ buộc phải chuyển đổi công việc. Nguồn lao động chất lượng dôi dư và dồi dào tìm đến các công ty, doanh nghiệp có tuyển dụng.

Doanh nghiệp cần đến chuyên gia nước ngoài để hỗ trợ trong công việc không muốn vướng vào khó khăn để xin được giấy cấp phép.

Đồng quan điểm, bà Trịnh Thị Thu - Chuyên viên tuyển dụng Công ty TNHH Hệ thống dây Sumi-Hanel (Long Biên) cũng ủng hộ phương án 1.

Bà Thu cho rằng, nếu lựa chọn phương án thứ 2, trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện phân cấp cấp, ủy quyền cho các cơ quan khác trong tỉnh sẽ không đảm bảo việc thống nhất quản lý nhà nước về tuyển dụng, quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam từ Trung ương đến địa phương.

Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, tính đến tháng 6.2023, cả nước có 121.288 lao động nước ngoài đang làm việc. Trong đó, số lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 9.339 người (chiếm 7,7% trên tổng số người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động là 111.949 người (chiếm hơn 92%), trong đó đã cấp mới giấy phép lao động cho 81.568 người và gia hạn cho 14.100 lao động, cấp lại cho 8.990 người; còn lại 7.291 người đang hoàn thiện các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn