MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người bị lừa đảo, chiếm đoạt khi nhận làm cộng tác viên bán hàng online. Ảnh: Trần Tuấn

Lừa đảo qua việc làm cộng tác viên đặt đơn hàng ảo, nhận hoa hồng "khủng"

Lương Hạnh LDO | 03/02/2023 06:30
Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.

Công an Thành phố Hà Nội đã có nhiều cảnh báo về việc các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ hình thức tuyển cộng tác thanh toán đơn hàng ảo cho các sàn thương mại điện tử.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều người lao động làm ở các ngành nghề khác nhau vẫn bị "móc túi" từ chiêu trò trên.

Về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Đoàn - Hệ thống Luật sư X (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết, một trong những đặc điểm chung dễ nhận thấy ở các hành vi lừa đảo qua mạng xã hội nói chung như thế này, đó là công việc đơn giản, dễ thực hiện; Lãi suất, hoa hồng cao hoặc có thể nói là béo bở để dụ dỗ, lôi kéo người dân sập bẫy.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp cụ thể thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Luật sư Nguyễn Đoàn - Hệ thống luật sư X (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Đoàn. 

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt...

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh...

Luật sư Nguyễn Đoàn cho biết: "Theo quan điểm của cá nhân tôi, khung hình phạt như vậy chưa thực sự đủ sức răn đe".

Theo luật sư này, thực tế ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo chiếm đoạt diễn ra với những thủ đoạn tinh vi, sử dụng công nghệ thông tin, không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, số tiền chiếm đoạt từ lớn tới rất lớn với không chỉ một mà của nhiều nạn nhân, ở nhiều nơi khác nhau do tính “không biên giới, không khoảng cách” mà mạng xã hội tạo ra, gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, phòng ngừa, bắt giữ, xử lý, ảnh hưởng tới an ninh trật tự, ổn định xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân.

"Theo tôi, việc xử lý nghiêm cũng như tăng cường các biện pháp đối với các đối tượng lừa đảo này là điều cần thiết, nhất là các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa, sự chung tay của cả hệ thống chính trị, cơ quan ban ngành và người dân trên tinh thần chỉ thị số: 21/CT-TTg ban hành ngày 25.5.2020 của Thủ tướng chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản" - Luật sư Đoàn nói.

Theo luật sư này, người dân cần thường xuyên theo dõi, cập nhật kịp thời tin tức về các thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo trên kênh truyền hình, báo chí chính thống, trang mạng xã hội để trang bị kiến thức, hiểu biết và chủ động nhận biết, phòng tránh.

Bên cạnh đó, mỗi người cần tuyên truyền, chia sẻ cho gia đình, bạn bè, nhưng người thân xung quanh mình về các thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo để nâng cao kiến thức nhận biết, cảnh giác, phòng tránh cho họ.

Đặc biệt, người dân cần trình báo ngay với Cơ quan công an khi phát hiện hành vi có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản để Cơ quan công an nhanh chóng nắm bắt thông tin, xác minh, ngăn chặn, xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật và có thông báo, cảnh báo tới người dân về các thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn