MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một chung cư có quy định cấm nuôi chó mèo, nhưng một số cư dân vẫn thả dắt trong chung cư và thậm chí không mang rọ mõm cho chó. Ảnh: TL.

Luật sư nói gì giữa làn sóng tranh cãi về nuôi chó mèo trong chung cư?

Thế Lâm LDO | 06/11/2021 20:00

TPHCM - Trên các diễn đàn hay những lời bình luận trên các nhóm, trang báo điện tử và mạng xã hội, hai luồng ý kiến tranh cãi rõ rệt về việc nuôi chó mèo trong chung cư. Tuy nhiên, mỗi ý kiến có sự chủ quan nhất định, chứ chưa dựa hoàn toàn vào cơ sở pháp lý từ các quy định hiện hành.

Nhận định về sóng tranh cãi việc nuôi chó mèo trong chung cư tại TPHCM hiện nay, luật sư Lê Ngọc Lam Điền – Trưởng Văn phòng luật Li và Đồng sự, thuộc Đoàn Luật sư TPHCM – đã đưa ra những phân tích về các góc độ luật pháp trong những văn bản luật xung quanh vấn đề này.

Theo luật sư Lam Điền, việc định nghĩa gia súc, gia cầm...  được thể hiện qua một số văn bản luật, cụ thể là Luật Chăn nuôi năm 2018.

Với phần giải thích từ ngữ ở Điều 2 trong văn bản luật này, khái niệm “gia súc” được định nghĩa một cách chung chung, “là các loài động vật có vú, có 4 chân được con người thuần hóa và chăn nuôi” (Khoản 6); và gia cầm “là các loài động vật có 2 chân, có lông vũ, thuộc nhóm động vật có cánh được con người thuần hóa và chăn nuôi” (Khoản 7).

Tuy nhiên, Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi, tại Phụ lục II được ban hành kèm theo, chó mèo được xếp vào loại động vật khác chứ không thuộc danh mục gia súc.

Chính từ đó, Bộ Xây dựng trong văn bản số 176/BXD-QLN ngày 18.1.2021 trả lời Sở Xây dựng TPHCM, đã khẳng định: Chó, mèo không thuộc danh mục gia súc, gia cầm, do đó việc nuôi chó, mèo trong nhà chung cư  không thuộc hành vi bị cấm theo quy định.

Thế nhưng, theo luật sư Lam Điền, văn bản của Bộ Xây dựng cũng đề cập thêm trường hợp các chủ sở hữu căn hộ chung cư, người sử dụng phải tuân thủ các quy định trong bản nội quy đã được Hội nghị nhà chung cư thông qua.

Như vậy, việc có cho phép nuôi chó mèo trong chung cư hay không sẽ phụ thuộc vào quyết định từ hội nghị này, sau đó được cụ thể hóa bằng nội quy hay các hướng dẫn đối với cư dân.

Trong trường hợp chung cư chưa tổ chức được Hội nghị nhà chung cư và chưa bầu ra Ban quản trị chung cư, luật sư Lê Ngọc Lam Điền cho rằng, sẽ có một số tình huống xảy ra trong trường hợp căn hộ chưa được hoàn tất việc ra sổ hồng cho khách hàng/cư dân.

Thứ nhất là trong hợp đồng mua bán căn hộ, nếu chủ đầu tư có quy định cấm nuôi chó mèo trong chung cư, thì cư dân tuân thủ theo hợp đồng đã ký với chủ đầu tư.

Các tình huống trên sẽ vô hiệu khi việc ra sổ hồng hoàn tất. Vì từ thời điểm đó trở đi, căn hộ không còn thuộc sự quản lý của chủ đầu tư trên danh nghĩa, mà đã được chính thức chuyển giao sang cho khách hàng (cư dân), quan hệ mua bán cũng chấm dứt.

Thứ hai, trong trường hợp hoàn tất xong sổ đỏ nhưng nếu vẫn chưa tổ chức được Hội nghị nhà chung cư để ban hành nội quy, thì mọi hoạt động, sinh hoạt (trong đó có việc có được nuôi chó mèo hay không) sẽ phải tuân thủ theo Sổ tay cư dân.

Và cuối cùng, vẫn cần phải có Hội nghị nhà chung cư để bầu ra Ban quản trị và xây dựng nội quy chính thức về hướng dẫn hoạt động tại chung cư. Theo đó, các cư dân sẽ phải tuân thủ những quy định của nội quy này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn