MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phạm Anh Khoa và Phạm Lịch trong "Trời sinh một cặp".

Lùm xùm Phạm Anh Khoa-Phạm Lịch: Cần có chế tài cho hành vi "quấy rối tình dục"

HẢI ĐĂNG LDO | 03/05/2018 08:15
Giới showbiz và dư luận “nóng” lên khi mới đây, vũ công Phạm Lịch đã chia sẻ việc bị huấn luyện viên Phạm Anh Khoa gạ tình khi cùng hợp tác trong một gameshow.

Trước đó, Phạm Anh Khoa là huấn luyện viên của Phạm Lịch trong gameshow "Trời sinh một cặp". Trên trang cá nhân, vũ công Phạm Lịch cho rằng Phạm Anh Khoa đã có những lời nói và hành động "gạ tình" thí sinh, lợi dụng trong lúc làm việc riêng chỉ có 2 người, có những lời lẽ "khiêu khích" và hành động gợi mở về những vấn đề tình dục...

Phạm Lịch cho biết cô nói ra những điều này để đòi lại cho showbiz môi trường trong sạch hơn, đặc biệt là nghệ sĩ nữ cần được bảo vệ.

Những tiết lộ của Phạm Lịch đã tạo nên nhiều dư luận khác nhau. Ca sĩ Phạm Anh Khoa phủ nhận, cho rằng Phạm Lịch vu khống. Một số ý kiến ủng hộ Phạm Lịch, bày tỏ sự chia sẻ, cảm thông với nữ nghệ sĩ này.

Nhìn từ góc độ pháp lý, nếu có căn cứ cụ thể, hành vi quấy rối, xúc phạm người khác mà chưa đến mức xử lý hình sự thì bị phạt hành chính. Cụ thể, hành vi  “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”  bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Ở mức độ nghiêm trọng, có thể người vi phạm bị xử lý hình sự về tội “Tội làm nhục người khác”. Tuy nhiên, khả năng này khó xảy ra, bởi hành vi quấy rối tình dục thường diễn ra trong không gian kín đáo, riêng tư và người vi phạm thường biện bạch rằng đó là trêu đùa.

Trong quan hệ lao động, Bộ luật Lao động quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong đó có hành vi “ngược đãi người lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc” (Điều 8). Tuy nhiên, vẫn chưa có chế tài xử lý đối với hành vi này.

Thực tế, hành vi quấy rối tình dục chưa có chế tài xử lý riêng, có tính răn đe cao. Tình trạng quấy rối tình dục không phải là cá biệt, và phần lớn nạn nhân là nữ giới, phải im lặng, chịu đựng. Vì khi họ đứng lên tố cáo, khó tìm được bằng chứng, mặt khác chế tài xử lý chưa rõ ràng. Một số trường hợp bị lệ thuộc không dám tố cáo vì sợ trả thù hoặc ảnh hưởng danh dự.

Thiết nghĩ, các cơ quan lập pháp cần có sự quan tâm đến hành vi quấy rối tình dục, xây dựng chế tài xử lý chặt chẽ, khả thi theo thông lệ quốc tế, có tính răn đe cao, nhằm ngăn chặn những hành vi xâm hại đến danh dự, nhân phẩm người khác, đặc biệt là phụ nữ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn