MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Tuấn Anh mới đi làm nên chưa có tích luỹ. Ảnh: T.A

Lương dưới 10 triệu đồng, nhiều người trẻ chật vật trang trải cuộc sống

Phương Trang LDO | 19/02/2023 11:00
Với mức lương 7-8 triệu đồng/tháng, nhiều bạn trẻ đã "vỡ mộng" khi bám trụ tại thành phố lớn. Hàng loạt các khoản phải chi tiêu đè nặng, mức lương trên nhiều khi không đủ để trang trải cuộc sống.

Cuối tháng "âm" tiền

Chị Trịnh Khánh Huyền (25 tuổi, giáo viên tại một đơn vị ở Hà Nội) tháng nào cũng phải vay tiền người thân, bạn bè để trang trải cuộc sống.

Muốn có cuộc sống tự do, thoải mái nên chị Huyền thuê nhà ở một mình tại Hà Nội. Mỗi tháng chị Huyền phải gánh tiền thuê nhà, điện, nước, chi phí sinh hoạt khá nặng.

Chị Huyền than vãn: “Thu nhập 9 triệu đồng/tháng, tôi đã phải dành một khoản cứng là 5 triệu đồng chi cho tiền ăn, tiền nhà, tiền điện nước, xăng xe. Ngoài ra, còn là những cuộc tụ tập ăn uống, cà phê với đối tác, bạn bè... Vì thế, tháng nào tôi cũng chỉ thấy “âm” tiền. Cứ nghĩ tới đủ các khoản phải chi tôi lại cảm thấy nhức đầu, chóng mặt”.

Vào mùa cưới, chị Huyền càng thấy căng thẳng. Cuối năm qua, chị đã phải vay mượn thêm 4 triệu đồng để mừng cưới. "Với những người không thân, tôi chỉ gửi phong bì cho tiết kiệm. Còn những đám của bạn thân, anh chị em trong nhà, tôi đều phải “bấm bụng” mừng 1 triệu đồng” - chị Huyền than thở.

Chính vì vậy, gần như tháng nào chị Huyền cũng phải vay mượn bạn bè để “sống sót” chờ ngày lấy lương. Nhiều lúc chị cảm thấy mệt mỏi, muốn bỏ hết công việc để về quê sinh sống, nhưng nghĩ tới tương lai, chị đành gắng gượng trụ lại thành phố.

Theo chị Huyền, phải chi tiêu rất tiết kiệm mới đủ để trang trải cuộc sống ở Thủ đô. Ảnh: Khánh Huyền

“Để tiền lương đủ trang trải cuộc sống, tôi phải tự điều chỉnh các khoản chi tiêu sao cho phù hợp với thu nhập. Nếu thu nhập thấp, mình phải chấp nhận việc mức sống của mình chỉ ở mức trung bình, không được mua những món đồ đắt đỏ, du lịch muôn nơi hay uống cốc nước 50.000 đồng mỗi ngày”- chị Huyền bày tỏ.

Có sự cố là phải đi vay tiền

Anh Lê Tuấn Anh (24 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội) chia sẻ: “Vì không dư giả về mặt tài chính nên tôi đã ở ghép với bạn đại học để tiết kiệm chi phí sinh hoạt”.

Lương của anh Tuấn Anh mỗi tháng là 7 triệu đồng. Tiền nhà, tiền điện, tiền nước mỗi tháng khoảng 2.500.000 triệu đồng. Tiền xăng xe đi lại khoảng 800.000 đồng. Ngoài ra tiền còn có tiền ăn uống, gặp gỡ bạn bè khoảng 2 triệu đồng. Số tiền còn lại để mua bán vật dụng cá nhân nên mỗi tháng anh Tuấn Anh không dư được đồng nào.

Anh Tuấn Anh cho biết, do mới đi làm chưa lâu, lại sống ở thành phố đắt đỏ nên mức lương này sẽ không tiết kiệm được, anh này cũng chưa có tài khoản tiết kiệm cá nhân đề phòng những trường hợp bất xấu xảy ra.

“Tháng 9 năm ngoái, tôi bị sốt phải nhập viện, nên tôi phải vay bạn bè 4 triệu để trả tiền viện phí. Đến nay, số tiền nợ tôi vẫn chưa trả được”, anh Tuấn Anh chia sẻ. 

Anh Tuấn Anh cho biết thêm, sinh sống ở Hà Nội nên mọi thứ đều đắt đỏ hơn sống ở quê. Theo anh Tuấn Anh tiền lương hàng tháng không đủ để chi tiêu hàng tháng. Nếu như tháng nào có phát sinh thêm đám cưới bạn bè, về quê hoặc có sự kiện gì đó thì anh này phải vay thêm tiền để trang trải.

“Để có một cuộc sống thoải mái ở Hà Nội, thì thu nhập ít nhất phải trên 20 triệu đồng, may ra còn dư giả. Còn với mức thu nhập như tôi thì chỉ đủ sống, nhiều lúc còn chật vật đợi lương về chỉ để trả nợ” - anh Tuấn Anh than thở. 

Mặc dù anh Tuấn Anh biết ở thành phố cuộc sống sẽ khó khăn hơn, nhưng khi có cơ hội làm việc ở thành phố, bản thân sẽ có nhiều trải nghiệm, cơ hội phát triển bản thân. Đó là lý do anh cố gắng làm việc để bám trụ tại đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn