MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lương hưu 3 triệu đồng, người già chi tiêu 3,5 triệu đồng một tháng

Bảo Hân LDO | 09/01/2023 10:57

Lương hưu chỉ vỏn vẹn 3 triệu đồng/tháng, nhưng theo tính toán của bà Quân (quê huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), tổng số tiền một tháng bà phải chi tối thiểu khoảng 3,5 triệu đồng, dành cho mua thực phẩm; đi ma chay, hiếu hỉ và tiền mua thuốc, chữa bệnh. 

Sau 26 năm dạy học tại trường trung học cơ sở, năm 1990, bà Quân về hưu. Lúc đầu, lương hưu của bà rất thấp, sau đó, nâng dần lên, hiện nay, mức lương hưu của bà là 3 triệu đồng/tháng.

“Lương hưu không đủ để tôi trang trải các khoản chi hàng tháng. Vì vậy, các con, cháu phải hỗ trợ thêm. Ngoài khoản hỗ trợ cố định khoảng 1.000.000 đồng/tháng, thi thoảng con, cháu về còn “dúi” cho tôi thêm vài trăm nghìn đồng. Những đồng tiền đó tôi phụ vào lương hưu để trang trải các khoản chi hàng tháng” – bà Quân chia sẻ.

Nhiều người già khi về hưu, nếu còn sức khoẻ, vẫn đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập. Ảnh minh hoạ: Bảo Hân 

Năm nay đã 85 tuổi, bà Quân mang trong mình nhiều bệnh của tuổi già như bệnh tim, máu nhiễm mỡ, thấp khớp… Hằng tháng, bà phải bỏ ra một khoản tiền khá lớn để mua thuốc, khám chữa bệnh. Khoản tiền để mua thuốc này còn lớn hơn tiền bà mua thực phẩm hàng tháng. “Tuổi đã cao nên tôi ăn uống khá đơn giản, nhà lại có mảnh vườn trồng rau nên tôi đỡ mất tiền mua ở ngoài chợ” – bà Quân chia sẻ. 

Với khoản lương hưu ít ỏi trên, nhiều năm qua, bà không dành dụm được đồng nào, mà tháng nào hết tháng đó, thậm chí còn thiếu. “Nếu không có sự hỗ trợ của con, cháu, tôi không thể đủ tiền để trang trải cuộc sống về già với số tiền lương hưu trên” -  bà Quân chia sẻ.

Bà Trương Thị Thanh Phương, cũng là giáo viên về hưu tại Thái Bình, nhưng có mức lương hưu cao hơn so với bà Quân: 4 triệu đồng/tháng. Có thời gian dạy học 30 năm, đến năm 1990, bà Phương về hưu. Thời điểm đó, lương hưu rất thấp, sau đó qua các lần điều chỉnh, bà có số tiền lương hưu như hiện nay. 

Cách đây một vài năm, khi sức khoẻ còn tốt, bà Phương ít phải chi tiền mua thuốc, khám chữa bệnh, nên mỗi tháng bà có thể dành dụm được 1-2 triệu đồng. Số tiền này bà dành dụm để gửi tiết kiệm. Thế nhưng, khi tuổi càng cao, bà càng bị nhiều loại bệnh tật, vì vậy, khoản chi cho sức khoẻ lại càng cao. Có thời gian, phải đi cấp cứu, tốn nhiều tiền, bà phải rút khoản tiền tiết kiệm này để chi trả. “Bây giờ, trong sổ tài khoản tiết kiệm của tôi chỉ còn khoảng 2-3 triệu đồng” - bà Phương cho hay. 

Nói về cụ thể các khoản chi tiêu của một người về hưu năm nay đã 77 tuổi, bà Phương cho biết: Mỗi tháng bà mua thức ăn hết khoảng hơn 1 triệu đồng; tiền đi đám ma chay, hiếu hỉ khoảng vài trăm nghìn đồng; số tiền còn lại dùng để mua thuốc, chữa bệnh (khoản này trước đây bà gửi tiết kiệm). Một hai năm gần đây, hàng tháng, bà không dành dụm được tiền lương hưu, tháng nào hết tháng đó.

“Các con tôi đều đã trưởng thành, có công việc ổn định, nhưng tôi cảm thấy với số tiền 4 triệu đồng này, tôi cố gắng “co kéo” thì vẫn đủ, không phiền đến các con” – bà Phương chia sẻ. 

Lương hưu bao nhiêu mới đủ sống khi về già? 

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm qua email của tòa soạn Báo Lao Động: toasoan@laodong.com.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn