MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ 1.7, mức lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đã được điều chỉnh tăng nhưng mặt hàng trên thị trường đã tăng từ trước. Ảnh: Hoàng Lộc.

Lương hưu tăng không kịp giá hàng hoá, cán bộ hưu mong có thêm chính sách

HOÀNG LỘC LDO | 28/08/2023 14:46

Từ 1.7, mức lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đã được điều chỉnh tăng nhưng nhiều người chưa có niềm vui trọn vẹn khi giá các mặt hàng trên thị trường đã tăng từ trước.

Với mức lương hưu sau khi tăng là hơn 8 triệu đồng/tháng, ông Nguyễn Hữu Chiến (sinh năm 1948 ở khóm 5, phường 8, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, số tiền nhận được chưa đủ đảm bảo cuộc sống của vợ chồng khi tuổi đã ngoài 70, vừa tốn tiền sinh hoạt ăn uống, các chi phí điện nước và thêm một khoản tiền chăm sóc sức khỏe.

Theo ông Chiến, trước khi tăng lương hưu, ông lãnh được hơn 7 triệu. Khi đó giá gạo thơm dẻo là 13.000 – 14.000 đồng/kg. Còn đến ngày 27.8, giá đã tăng lên 19.000 đồng/kg. Trước đây, 0,5 kg rau muống là 7.000 đồng còn hiện nay là 11.000 – 12.000 đồng.

“Từ cuối tháng 6.2023, giá các mặt hàng rau, thịt, cá đã tăng nên vợ chồng tôi đã chủ động cuốc đất trồng rau, thả nuôi hơn chục con vịt để mong giảm bớt chi phí phần nào”, ông Chiến cho biết thêm.

Nhiều cán bộ hưu đã chủ động trồng trọt, chăn nuôi để có thực phẩm sử dụng, tiết kiệm chi phí sinh hoạt hằng ngày. Ảnh: Hoàng Lộc.

Nhận được tiền lương hưu từ năm 2013 đến nay, bà Nguyễn Thị Hồng ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Sự điều chỉnh lương hưu lần này tăng 12,5% là không đáng kể vì chưa được nhận mức lương mới thì giá cả nhiều mặt hàng như thịt, cá, gas đã tăng từ 5 – 15% mỗi loại”.

Theo bà Hồng, đa số người hưu trí là đối tượng cao tuổi, hạn chế về sức khỏe, có nhiều bệnh xuất hiện, rất cần tiền để điều trị vì có một số bệnh mà BHYT không chi. Mặt khác, người cao tuổi sức khỏe yếu cần có chế độ bồi dưỡng như sữa, thức ăn ngon,… để duy trì sức đề kháng cho cơ thể.

“Mong các cấp chính quyền có sự quan tâm đến chính sách của cán bộ hưu trí. Cần có sự kiểm soát chặt chẽ giá cả thị trường các mặt hàng phục vụ đời sống xã hội”, bà Hồng cho biết thêm.

Ngày 28.8, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Ngô Tuấn Anh - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Long thông tin, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 12.500 người nhận chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng với số tiền hơn 90 tỉ đồng.

Lương hưu tăng nhưng trên thị trường có nhiều mặt hàng tăng giá khiến cán bộ hưu chưa có niềm vui trọn vẹn. Ảnh: Hoàng Lộc

Theo ông Tuấn Anh, từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, hiện nay đã tăng khoảng 21,5 lần so với mức lương hưu, trợ cấp BHXH tại thời điểm trước năm 1995.

Cũng theo ông Tuấn Anh, từ ngày 01.7.2023, điều chỉnh mức tăng thêm 12,5% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng của tháng 6 năm 2023 đối với các đối tượng quy định đã được điều chỉnh và tăng thêm 20,8% đối với các đối tượng quy định chưa được điều chỉnh theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP ngày 07.12.2021 của Chính phủ.

“Điều này cho thấy, chính sách của Nhà nước rất quan tâm đến thu nhập của người hưởng lương hưu”, ông Tuấn Anh cho biết thêm.

Từ ngày 01.7.2023, một số trường hợp quy định tại Nghị định này, nghỉ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng trước ngày 01.01.1995 sau khi điều chỉnh theo quy định nêu trên có mức hưởng thấp hơn 3.000.000 đồng/người/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm như sau:

Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 2.700.000 đồng/người/tháng. Tăng lên bằng 3.000.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2.700.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.000.000 đồng/người/tháng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn