MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động dọn dẹp tại công ty. Ảnh: AT

Lương thấp, công nhân càng khốn khổ khi công ty nợ bảo hiểm xã hội 9 năm

ANH THƯ - VIỆT LÂM LDO | 21/07/2022 11:16
Mỗi tháng đi làm khoảng 10 công, những công nhân của Công ty Cổ phần Khoá Minh Khai (Thanh Trì, Hà Nội - thuộc Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng) chỉ nhận về với số tiền lương hơn 1 triệu đồng. Mặc dù khoản tiền lương ít ỏi trên vẫn bị trừ đều đặn để đóng bảo hiểm xã hội, song hầu hết công nhân ở đây như ngồi trên đống lửa khi biết công ty nợ đóng trong 9 năm qua. 

Lương không đủ sống, vay mượn đủ đường

Mới đây, Báo Lao Động nhận được đơn thư cầu cứu khẩn cấp của tập thể người lao động của Công ty Cổ phần Khoá Minh Khai về việc công ty này triền miên nợ đóng bảo hiểm xã hội.

Họ là những công nhân gắn bó trên 20 năm với công ty. Khi tuổi đã xế chiều, những người lao động mong mỏi tiếp tục làm việc để sau này có đồng lương hưu trang trải tuổi già.

Ấy vậy mà công ty đã kéo dài nợ bảo hiểm xã hội, không hoàn thành nghĩa vụ khiến biết bao công nhân lo lắng.

Người lao động công ty thông tin với PV. Ảnh: Anh Thư

Từ những năm 1996, vợ chồng chị Nguyễn Thị Sự (Yên Bái, 47 tuổi) đã lặn lội xuống Hà Nội thuê nhà trọ cho gần nơi làm việc. Đến nay, 2 con của chị đã lớn khôn, đang tuổi học hành, chị vẫn phải thuê căn phòng trọ rộng chừng hơn 20m2 ở Lĩnh Nam để tiết kiệm chi phí.

Thấm thoắt 23 năm làm việc, đồng lương của chị Sự ngày càng co lại do công ty ít việc. Làm ở  tổ gia công, từ năm 2014 đến nay thu nhập giảm sút nghiêm trọng, giờ chỉ được gần 2 triệu đồng/tháng. Vốn là hộ nghèo, con cái còn đang tuổi ăn học, cả gia đình trông chờ vào thu nhập từ đi làm bảo vệ của chồng chị.

“Sống ở Thủ đô, thử hỏi lương tháng 2 triệu đồng/tháng có đủ chi tiêu. Chồng tôi làm bảo vệ chỉ được vài triệu đồng/tháng. Hiện nay, tôi còn mang bệnh trong người, sức khoẻ yếu nên gia đình gặp vô vàn khó khăn” - chị Sự than thở.

Lúc quá túng khó, chị Sự phải đi vay mượn anh em, họ hàng để có tiền mưu sinh qua ngày. Chị cũng đã tính đến phương án nghỉ việc ở đây để tìm chỗ làm mới có lương cao hơn. Song khổ nỗi, công ty nợ bảo hiểm xã hội đến 9 năm liên tiếp. Từ đó, những người lao động này lo lắng không biết đến khi nào mới có thể chốt bảo hiểm xã hội?

Từng làm ở xưởng mạ, anh Nguyễn Văn Thành (SN 1969) cho biết, hiện công ty đã thu hẹp sản xuất, phân xưởng trên đã bị “xoá sổ”. Công việc bấp bênh từ tháng 4.2020, nay anh Thành chỉ nhận hơn 1 triệu đồng/tháng là lương chờ việc.

Anh Thành (bên trái) bức xúc khi công ty nợ bảo hiểm xã hội. Ảnh: Việt Lâm

Càng có tuổi, sức lực suy giảm, anh còn mắc thêm bệnh viêm tuỵ, tiểu đường… Đến nay, những căn bệnh trên đã ngốn hết hàng trăm triệu đồng của gia đình.

Anh Thành cũng là một trong những người lao động rơi vào tình cảnh công ty nợ đóng bảo hiểm xã hội. Dù rất muốn đơn vị này giải quyết chế độ để nghỉ hưu trước tuổi, nhưng gia đình anh Thành không có khả năng đóng tiền vào để được chốt sổ bảo hiểm xã hội.

Mượn danh nghĩa cho công ty vay, thực tế là người lao động phải bỏ tiền túi của chính mình để được hưởng chính sách. Như chị Nguyễn Thị Chiên phải vay 50 triệu đồng, anh Trần Văn Xuân bỏ ra 100 triệu đồng để công ty đóng bảo hiểm xã hội số năm còn nợ.

“Nhà tôi còn phải đi vay tiền để chữa bệnh cho anh Thành, lấy đâu ra số tiền khoảng 160 triệu đồng đóng vào cho công ty để được rút bảo hiểm xã hội. Đến 10 triệu đồng còn không có” - vợ anh Thành than thở.

Lúc hấp hối vẫn còn khắc khoải

Hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Quyến (SN 1971) cũng đã làm việc tại công ty được hơn 20 năm. Dù đã được công ty giải quyết vấn đề sổ bảo hiểm xã hội, đến giờ, chị Quyến vẫn rất bức xúc, xót xa khi nhắc lại chuyện này.

Năm 2016, anh Trần Xuân Hoà - chồng của chị Quyến - phải xin nghỉ việc do mắc bệnh thận. 2 tháng nằm viện một lần, anh Hoà chạy thận tuần 3 buổi tại Bệnh viện 108 khiến kinh tế của gia đình kiệt quệ.

Dù bệnh tình trở nặng, song anh Hoà vẫn chưa được công ty chốt sổ bảo hiểm xã hội ngay. Bản thân chị Hoà phải năm lần bảy lượt lên công ty, tổng công ty để đòi quyền lợi chính đáng của mình.

Sau 2 năm nghỉ việc, bệnh tình của anh Hoà trở nặng. Song, công ty vẫn còn nợ hơn 10 triệu đồng tiền trợ cấp thôi việc của người lao động.

“Lúc chồng tôi nằm trong bệnh viện, tôi nhiều lần rơi nước mắt gọi điện cho phía ban lãnh đạo công ty để giải quyết chế độ cho chồng mình. Lúc khó khăn, hơn 10 triệu đồng này đáng giá với gia đình tôi biết bao. Thế mà sau khi chồng tôi mất được 1 năm, công ty mới hoàn tất chế độ này” - chị Quyến cay đắng kể lại.

Là tổ trưởng tổ gia công, khoan cắt khoá, chị Nguyễn Thị Minh Hạnh cho hay, 9 năm trở lại đây, công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quyền lợi của người lao động như chị Hạnh bị xâm phạm nghiêm trọng. Hơn nữa, mỗi tháng, người lao động vẫn bị công ty khấu trừ khoản nộp về cơ quan bảo hiểm xã hội.

This browser does not support the video element.

Hiện nay, công ty đã không bố trí đều đặn công việc cho công nhân. “Như tôi là tổ trưởng, được bố trí làm nhiều hơn mọi người. Vậy mà một tháng cũng chỉ làm 10 công, tiền lương chỉ hơn 1 triệu đồng” - chị Hạnh nói.

Sống giữa Thủ đô với đồng lương như vậy buộc chị Hạnh phải tính nghỉ làm, tìm công việc mới. Song, công ty nợ đóng bảo hiểm xã hội quá “sâu”, chị rất lo ngại không biết sẽ được chốt bảo hiểm xã hội để chuyển nơi mới hay không.

Chị Hạnh cũng như nhiều người lao động khác đã nhiều lần kiến nghị lên công ty, song đơn vị không có động thái nào giải quyết, nợ bảo hiểm xã hội ngày một nhiều.

Chị Hạnh, chị Sự, anh Thành là 3 trong số 47 người lao động đang bám trụ tại công ty, trong đó có 24 người lao động trực tiếp. Họ mong muốn công ty sớm giải quyết vấn đề nợ bảo hiểm xã hội để người lao động được “giải thoát”, tìm kiếm việc làm mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn