MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khi xảy ra hoả hoạn, sử dụng thang dây để thoát nạn là một biện pháp. Ảnh minh hoạ: Bộ Công an

Lưu ý sử dụng thang dây thoát hiểm để thật sự an toàn, hiệu quả

Thế Kỷ (Nguồn tham khảo: Cục Cảnh sát PCCC và CNCH) LDO | 14/09/2023 14:45

Thang dây thoát hiểm là thiết bị được sử dụng rộng rãi trong việc thoát nạn từ trên cao khi xảy ra sự cố cháy, nổ. Tuy nhiên, thang dây chỉ thật sự an toàn, hiệu quả khi sử dụng ở độ cao phù hợp.

Hiện nay có rất nhiều loại thang được sử dụng trong việc thoát nạn từ trên cao khi có cháy, nổ, sự cố. Trong đó có 2 loại cơ bản là thang dây thông thường và thang dây có hộp giảm tốc.

Đối với thang dây thông thường (loại được sử dụng phổ biến hiện nay), để sử dụng loại thang này nhanh và an toàn khi có sự cố thì cần thực hiện như sau:

Bước 1: Tháo kẹp hãm của thang.

Bước 2: Tháo bậc thang ra theo tuần tự, tránh làm xoắn thang.

Bước 3: Tìm vị trí chắc chắn ở lan can hay rìa cửa sổ để treo thang vào (nếu không thì phải thiết kế một khung chắc chắn để treo thang).

Bước 4: Bám chắc vào thanh ngang của thang, ép sát người vào thang và trèo xuống. Để tránh thang bị đung đưa gây khó khăn cho việc thoát nạn, nên trèo xuống từng bậc một theo cách: chân phải bước xuống 1 bậc, tay trái giữ chặt bậc phía trên và ngược lại.

Đối với các sản phẩm thang dây, thang thoát hiểm… cần chú ý chất liệu, độ dài của thang để có thể đảm bảo an toàn khi sử dụng thiết bị. Ảnh minh họa: Nguyễn Thúy

Thang dây là thiết bị được sử dụng rộng rãi trong việc thoát nạn từ trên cao, tuy nhiên, nếu ở những tầng quá cao so với mặt đất, việc sử dụng thang dây sẽ rất nguy hiểm. Ví dụ, nếu sinh sống ở tầng 12 (tương đương độ cao khoảng 40m). Với độ cao này việc sử dụng thang dây sẽ rất nguy hiểm và ảnh đến tính mạng. Do vậy chúng ta không nên sử dụng thiết bị này.

Trong trường hợp có sự cố cháy, nổ, người dân có thể thoát nạn bằng lối cầu thang bộ thoát hiểm tại tòa nhà để thoát hiểm; di chuyển lên tầng thượng hoặc lên mái và thoát sang các công trình lân cận nếu có thể. Trong quá trình di chuyển cần sử dụng khăn, áo thấm ướt bịt vào mũi, miệng nhằm hạn chế hít phải khói, khí độc.

Trường hợp thang thoát hiểm bị nhiễm khói không thể di chuyển được thì nên ở trong nhà. Tiếp đó sử dụng chăn, màn nhúng nước để che khe cửa, mục đích là để ngăn khói xâm nhập vào nhà gây ngạt khói, đồng thời người dân chạy ra ban công cửa sổ để báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH biết để có phương án đưa ra ngoài bằng cách an toàn.

Tuyệt đối không chạy vào nhà vệ sinh để trốn tránh, bởi rất dễ bị ngạt khói.

Lưu ý khi sử dụng thang dây thoát hiểm:

Lựa chọn vị trí thoát hiểm, đảm bảo an toàn cho người thoát hiểm. Vị trí này cần đảm bảo đưa người thoát hiểm đến vị trí an toàn nhanh nhất.

Khi triển khai thang để thoát nạn không quá chiều dài của thang so với mặt đất và thực hiện đúng tải trọng của thang.

Khi thang đang xoắn thì không được xuống thang; khi xuống thang không được bám tay vào dây thang vì nó có thể làm xây sát bàn tay.

Trước khi dùng dây để tụt xuống cần phải đảm bảo dây chắc chắn và dây phải buộc vào các cấu kiện vững chắc...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn