MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cử tri Xã Xuân Lũng và 2 xã khác của huyện Lâm Thao không đồng ý sáp nhập 3 xã với nhau. Ảnh: Tô Công.

Lý do hơn 90% cử tri không đồng ý sáp nhập 3 xã ở Phú Thọ

Tô Công LDO | 23/08/2024 16:51

Phú Thọ - Đã có hơn 90% cử tri tại 3 xã của huyện Lâm Thao là Xuân Huy, Xuân Lũng và Thạch Sơn không đồng ý việc sáp nhập 3 xã này với nhau.

Vừa qua, UBND tỉnh Phú Thọ đã có văn bản số 146/BC-UBND, báo cáo Chính phủ, Bộ Nội vụ, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về kết quả tổng hợp lấy ý kiến cử tri về về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn.

Theo đó, với thành phố Việt Trì, huyện Đoan Hùng và huyện Cẩm Khê, kết quả lấy ý kiến toàn bộ cử tri tại các xã dự kiến sẽ sáp nhập cho thấy, chỉ có khoảng 0,22 đến 8,36% người dân không đồng ý (tất cả các phường, xã đều đạt trên 90% số cử tri đồng ý).

Khu vực 3 xã Xuân Huy, Xuân Lũng, Thạch Sơn của huyện Lâm Thao. Đồ họa trên nền ảnh Google Earth: Tô Công

Tuy nhiên, so với 3 huyện, thành phố kể trên, kết quả lấy ý kiến cử tri tại 3 xã của huyện Lâm Thao là Xuân Huy, Xuân Lũng và Thạch Sơn rất đối lập, khi cả 2 lần lấy phiếu đều có tổng trung bình trên 80% cử tri không đồng ý việc sáp nhập 3 xã này với nhau.

Lần lấy phiếu thứ nhất, trong tổng số 13.030 cử tri của cả 3 xã kể trên, chỉ có 1.932 người đồng ý việc sáp nhập (tỉ lệ 13,83%), nhưng có tới 11.096 người không đồng ý (tỉ lệ 85,16%).

Kết quả tổ chức lấy ý kiến cử tri lần 2 thậm chí còn có tỉ lệ người không đồng ý cao hơn, có 11.907 (tỉ lệ 91,41%), còn số người đồng ý việc sáp nhập 3 xã chỉ còn 1.119 (tỉ lệ 8,59%).

3 xã kể trên của huyện Lâm Thao đã có nhiều khu dân cư đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: Tô Công

Đến huyện Lâm Thao ghi nhận và tìm hiểu trong những ngày cuối tháng 8, phóng viên Báo Lao Động nhận thấy, nếu sáp nhập 3 xã này thành 1 xã mới, diện tích sẽ rất rộng (khoảng 18km²), trải dài từ xã Xuân Huy hiện tại ở đoạn giáp với xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ đến xã Thạch Sơn hiện tại ở đoạn giáp thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao và xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì.

Anh Nguyễn Văn Thiện - người dân sống tại khu 2, xã Thạch Sơn - bày tỏ: "Nhiều người không đồng tình sáp nhập xã trước hết vì họ không muốn khi có việc đến ủy ban phải đi xa. Là xã nông thôn mới nâng cao, nhiều khu nông thôn mới kiểu mẫu, người dân muốn giữ lại cái tên Thạch Sơn chứ không muốn thay đổi".

Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Xuân Lũng. Ảnh: Tô Công

Theo bà Phùng Thị Phương Loan - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Lũng: "Nguyên nhân khiến người dân trên địa bàn không đồng ý việc sáp nhập xã là vì bà con cảm thấy như thế này là ổn định, ngại việc khi thay đổi địa giới hành chính thì các giấy tờ sẽ phải thay đổi lại, mặc dù xã Xuân Lũng có thể nói là được hưởng lợi nhất nếu sáp nhập vì dự kiến là trung tâm xã mới. Tuy nhiên, tương lai xã Xuân Lũng sẽ sáp nhập khu, từ chỗ 16 giảm xuống còn 11 khu".

Ngày 22.8, tại Kỳ họp chuyên đề thứ Năm, HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026, 100% đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2023 - 2025.

Trong thời gian tới, Phú Thọ sẽ thực hiện sắp xếp 30 ĐVHC: 20 ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp và 10 ĐVHC cấp xã liền kề, thành lập mới 12 ĐVHC cấp xã mới tại thành phố Việt Trì, huyện Cẩm Khê và huyện Đoan Hùng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn