MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ: Telegram.

Lý do kẻ gian thường dùng ứng dụng Telegram để lừa đảo

Mạnh Cường LDO | 19/06/2023 11:30

Hiện nay, rất nhiều chiêu trò lừa đảo của kẻ gian đều yêu cầu nạn nhân tải ứng dụng Telegram để trò chuyện, làm nhiệm vụ thả tim, đánh giá 5 sao, like và xem video... Đơn giản bởi ứng dụng Telegram có nhiều tính năng đặc biệt không có nhiều mạng xã hội có nhưng lại là “lỗ hổng” để kẻ gian lợi dụng.

Anh Hoàng Mạnh Hùng (30 tuổi) - một người dùng ứng dụng Telegram lâu năm ngụ tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: Với Telegram, bạn có thể đổi tên nhiều lần mà không bị ứng dụng yêu cầu xác minh như Zalo (3 lần), Facebook (5 lần). Đồng thời, Telegram cho phép người gửi xóa được hết các tin nhắn trò chuyện của cả người nhận trong khi các ứng dụng khác chỉ xóa được ở phía người gửi.

Lợi dụng kẽ hở này, kẻ gian sẽ đổi tên nick Telegram thường xuyên đồng thời thay đổi cả ảnh đại diện để chat với nạn nhân. Với mỗi lần đổi tên và xóa tin nhắn như thế, người nhận (nạn nhân) dù đã từng nhắn tin với kẻ gian cũng không hay biết, cứ ngỡ đang nhắn tin với một người khác.

Anh Hùng minh họa tính năng xóa tin nhắn 2 chiều người gửi và người nhận trên ứng dụng Telegram. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Với tính năng xóa dữ liệu 2 chiều, kẻ gian không phải lập nick mới, tốn thời gian. Đó là lý do vì sao mỗi lần muốn làm nhiệm vụ kiếm tiền, nạn nhân lại được kết nối với một người mới qua ứng dụng Telegram. Cứ sau mỗi lần lừa thành công hoặc kết thúc một phiên trò chuyện, kẻ gian lại đổi tên, ảnh đại diện khác để tiếp tục đi lừa rất khó xác định.

Bên cạnh đó, theo anh Hùng, trên một ứng dụng Telegram có thể chuyển đổi giữa các nick khác nhau dễ dàng chưa đến nửa giây. Trong khi các ứng dụng khác phải mất đến vài giây. Điều này giúp kẻ gian có thể tạo ra nhiều nick bằng nhiều số điện thoại rồi đóng vai nhiều người tiếp cận, cùng lừa đảo nạn nhân.

Chiêu bài của kẻ gian thường đóng giả người tư vấn công việc, kế toán trả lương, chuyên viên hướng dẫn công việc để cùng hỗ trợ khách hàng. Hoặc một người bất kỳ sau khi thấy nạn nhân vào nhóm, băn khoăn chưa nạp vốn sẽ tiếp cận để “khuyên nhủ” nhanh chóng chuyển tiền nạp vốn. Hầu hết các nhân vật đóng giả đều là của 1 người.

Anh Nguyễn Văn Quân (33 tuổi, Quận Long Biên, Hà Nội) - nhân viên IT, chuyên hỗ trợ các vấn đề liên quan đến internet, website cho hay - công ty anh dùng ứng dụng Telegram trao đổi công việc bởi không bị kiểm soát và khó bị lộ, rò rỉ thông tin.

Telegram là ứng dụng có nguồn gốc tại Nga, đặt máy chủ ở Nga dành cho khách hàng toàn cầu chứ không có trụ sở hay chi nhánh riêng tại Việt Nam. Vì thế, khi cơ quan chức năng muốn truy tìm các thông tin trên ứng dụng này là việc vô cùng khó khăn, mất nhiều thời gian.

Kẻ gian đã nhắm vào điều này để thực hiện các chiêu thức lừa đảo, khi xóa tin nhắn, dữ liệu cũng bị xóa hết. Ngoài ra, các tin nhắn trao đổi cũng được mã hóa đầu cuối trước khi gửi đến máy chủ của Telegram. Do vậy, gần như không ai có thể đọc được tin nhắn của người dùng khi nhắn tin qua ứng dụng.

Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH YouMe Vũ Thuỳ Trang cho biết - Telegram không phải ứng dụng lừa đảo, kẻ gian chỉ lợi dụng những tính năng đặc biệt có riêng trên ứng dụng Telegram để thực hiện hành vi trục lợi, lừa đảo.

Một số hình thức lừa đảo phổ biến nhất trên Telegram hiện nay là tạo nhóm tạo kênh và tạo Bot để kiếm tiền; tạo nhóm, tạo kênh, tham gia group để kiếm tiền; Giả mạo nhà cung cấp dịch vụ - đây là phương thức lừa đảo khá phổ biến tuy nhiên vẫn nhiều người dùng mắc bẫy, đối tượng lừa đảo sẽ giả mạo các nhà cung cấp dịch vụ và gửi tin nhắn cho người dùng.

"Hãy cảnh giác với những tin nhắn từ người lạ trên Telegram và cẩn trọng trước khi cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ ai" - bà Vũ Thuỳ Trang thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn