MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lý do khiến người trẻ không dám xin nghỉ việc

Phương Thảo LDO | 27/02/2023 07:07

Người trẻ muốn xin nghỉ việc nhưng không dám bởi những áp lực về tài chính, từ đồng nghiệp, chưa tìm được công việc mới như mong muốn...

Chỉ cần một thông báo và đơn xin nghỉ việc được phê duyệt thì người lao động sẽ chính thức kết thúc hợp đồng lao động với doanh nghiệp.

Điều tưởng chừng như đơn giản này lại vô tình trở thành áp lực đối với nhiều bạn trẻ GenZ, khi họ đã sẵn sàng nghỉ việc nhưng lại chưa dám đặt bút viết đơn.

Chị Thanh Hằng (23 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang là nhân viên chạy quảng cáo Facebook cho một công ty kinh doanh mặt hàng gia dụng.

Vì thu nhập ổn định nên chị Hằng đã tạm thời chọn ở lại. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Khi chị Hằng vừa trở thành nhân viên chính thức chưa được bao lâu thì công ty thông báo phải cắt giảm nhân sự do việc kinh doanh không mấy thuận lợi. 

Đứng trước khó khăn bất ngờ ập đến, chị Hằng bối rối vì rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”: muốn nghỉ việc nhưng chưa biết phải đối diện với việc xin nghỉ như thế nào; liệu chị có nằm trong danh sách bị công ty cắt giảm?

Những băn khoăn đó khiến một nhân viên mới như chị Hằng khá hoang mang. "Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, làm gì tiếp theo" - chị Hằng nói.

Điều này khiến cô gái trẻ áp lực và muốn nghỉ việc, nhưng chị lại không dám xin nghỉ vì mức lương hiện tại ổn định.

Còn đối với chị Thảo Phương (quận Cầu Giấy, Hà Nội), dự tính sau khi tốt nghiệp đại học, chị Phương sẽ trở về quê nhà làm việc. Vấn đề đang khiến chị Phương lo lắng nhất là chưa tìm được công việc thích hợp ở quê.

Chia sẻ về công việc hiện tại, chị Phương thẳng thắn: "Thực lòng tôi muốn nghỉ từ lâu, không biết bao lần muốn nhắn tin thông báo cho sếp rồi lại chần chừ".

Chưa bao giờ chị Phương cảm thấy xin nghỉ việc lại khó khăn như vậy. Ảnh: Nhân vật cũng cấp.

Hiện, chị Phương không được nhận lương cứng mà chỉ có KPIs (dựa vào hiệu suất và mức độ hoàn thành công việc để trả lương), phụ cấp hàng tháng để trang trải nên cuộc sống khá chật vật.

Chị Phương muốn xác định ổn định công việc ở quê rồi mới chính thức nghỉ việc.

Muốn xin nghỉ việc từ lâu nhưng vì áp lực tài chính khiến anh Nguyễn Hoàng Duy (28 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) lưỡng lự suốt một năm nay. Là nhân viên sale, anh Duy hiện có mức thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng (bao gồm lương cứng và tiền hoa hồng nếu bán thêm được sản phẩm).

Nếu nghỉ việc, anh Duy sẽ không có chi phí trang trải cho cuộc sống, nuôi con nhỏ, tiền thuê phòng trọ,...vì anh biết, hiện tại muốn xin công việc mới đi làm ngay cũng không phải là điều dễ dàng.

Còn tiếp tục đi làm, anh Duy luôn phải dối diện với vô số áp lực, gò bó từ công việc, điều quan trọng hơn, anh đi làm không còn đam mê, động lực. "Nếu không vì tài chính, tôi sẽ quyết nghỉ việc ngay mà không chần chừ" - anh Duy nói.

Lên chức Trưởng phòng nghiên cứu cho một công ty chuyên cung cấp phần mềm ở độ tuổi khá trẻ, thế nhưng anh Lê Văn Cường (25 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) cũng đang phải chịu những áp lực từ công việc và cấp dưới đem đến.

Là sếp của những nhân viên trong lứa tuổi GenZ, mặc dù cũng là một GenZ nhưng anh Cường và nhân viên của mình không thể hòa hợp được với nhau.

"Nhiều lần hướng dẫn một đằng nhưng cuối cùng nhân viên của lại làm một nẻo. Nhắc nhở, thậm chí là phạt nhiều lần nhưng họ vẫn tái diễn. Tôi chán nản, vì như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ công việc” - anh Cường phân trần và cho biết thêm, anh ở lại bởi trách nhiệm với công việc, nếu không, anh đã xin nghỉ việc từ lâu do không tìm được cộng sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn