MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chinlone - môn thể thao nghệ thuật của Myanmar.

Hai sắc diện của SEA Games

Hoàng Lâm LDO | 01/02/2014 10:52
SEA Games dường như vẫn là nơi bảo tồn những giá trị cũ khi các nước chủ nhà cố gắng giới thiệu môn thể thao truyền thống của mình. Cũng tại đây, nơi thỉnh thoảng vẫn bị chỉ trích là “ao làng” của vùng trũng thể thao Đông Nam Á lại cho thấy sức mạnh thanh xuân của tuổi trẻ, để từ đó, vươn lên những tầm cao.
Từ cầu chinh đến Chinlone
Mười năm trước, khi Việt Nam chuẩn bị tổ chức SEA Games 22, một người bạn là phóng viên của tờ nhật báo Inquirer (Philippines) có đặt câu hỏi: “Đá cầu là gì? Tại sao phải đưa cầu chinh vào chương trình thi đấu SEA Games?”. Tôi chỉ có thể trả lời được vế thứ nhất, một cách ngắn gọn: “Đá cầu là môn thể thao dân gian truyền thống của người Việt Nam, có thể bắt nguồn từ nhà Lý. Thời đó, khi đất nước thái bình, mùa màng được gặt hái thì trò chơi đá cầu với những miếng đế và lông gà được tổ chức mừng mùa bội thu. Trải qua nhiều đời, đá cầu được lưu giữ và trở thành môn thể thao phổ biến, bình dân ở Việt Nam. Đó cũng là môn thể thao bộc lộ sự khéo léo, nhanh nhẹn của người Việt”.
Hai năm sau, khi Philippines tổ chức SEA Games, đến lượt tôi lại hỏi bạn về một môn thể thao thật mới - Arnis, còn được gọi là võ gậy của người Philippines. Bạn giải thích cũng rất ngắn gọn rằng Arnis là môn võ truyền thống có từ lâu đời của người Philippines và việc sử dụng võ gậy hiệu quả đã giúp người Philippines chiến thắng trong cuộc chiến chống lại người Tây Ban Nha và cùng với Philippines, Arnis trường tồn, trở thành niềm tự hào của người Philippines, được nâng cấp lên như một môn võ biểu diễn mang tính nghệ thuật cao…
Sau này thì chúng tôi không hỏi nhau nữa khi các chủ nhà SEA Games tìm cách đưa môn thể thao truyền thống của mình vào chương trình thi đấu. Thay vào đó, chúng tôi tự tìm hiểu.
Năm 2011, Indonesia giành quyền đăng cai tổ chức SEA Games. Dù trong lịch sử SEA Games, Indonesia đã rất thành công trong việc giới thiệu và nhân rộng môn võ truyền thống của mình là Pencak Silat ra khắp Đông Nam Á thì đến 2011, người dân xứ Vạn Đảo lại trình làng môn: Tarung derajat. Đây là môn võ được võ sư Achmad tổng hợp từ các môn võ truyền thống của người Indonesia. Tarung - trong tiếng Indo là “chiến đấu”, “derajat” có nghĩa là nhân phẩm con người. Tarung derajat có thể hiểu là môn võ chiến đấu vì nhân phẩm con người, dù đòn thế của nó khá khốc liệt.
SEA Games 27 vừa diễn ra ở Myanmar - nhiều người sẽ thắc mắc về Chinlone - môn thể thao lần đầu nghe tên.
Khi được giao quyền đăng cai SEA Games, người Myanmar quyết liệt đưa Chinlone vào chương trình thi đấu không hẳn vì muốn “vét” huy chương mà mục đích cao nhất là giới thiệu niềm tự hào của mình ra bạn bè thế giới: Chinlone có đời sống 1.500 năm tuổi. Qua nhiều đời, người Myanmar đã nâng cấp Chinlone thành môn thể thao nghệ thuật. Những đàn ông Myanmar quấn longyi (một loại váy cho đàn ông) tâng những quả cầu tròn trên nền nhạc réo rắt của những nhạc cụ truyền thống Myanmar để các cầu thủ được truyền cảm hứng như trong một màn khiêu vũ…
Đã có một thời gian dài, người ta nghi ngờ về việc các nước chủ nhà đưa môn truyền thống của mình vào thi đấu để tạo lợi thế trong việc tranh chấp huy chương. Đó chỉ là một phần. Giờ đây câu chuyện đã rõ ràng hơn: Indonesia phát triển Pencak Silat, Tarung; Thái Lan góp cầu mây, Muay Thái; Philippines phô diễn vẻ đẹp của Arnis; Việt Nam giới thiệu nét đẹp của đá cầu và từ SEA Games 27 này, Vovinam (Việt võ đạo) mang tinh thần thượng võ của người Việt Nam cũng đã có tên trong chương trình thi đấu của SEA Games.
SEA Games đôi khi như một bàn tiệc mà ở đó, mỗi nước đăng cai giới thiệu đặc sản của mình với bạn bè, với thế giới.
Tuổi đôi mươi của SEA Games
SEA Games không chỉ là nơi giới thiệu và gìn giữ những giá trị xưa cũ như đá cầu, Silat, Arnis hay Chinlone. Tất nhiên, SEA Games còn là nơi tranh tài để từ đó, các VĐV trẻ thể hiện khả năng, tự tin vươn tới những đấu trường cao hơn.
Thượng úy Ánh Viên - sĩ quan trẻ nhất Quân đội nhân dân Việt Nam năm nay mới 17 tuổi. Ánh Viên đến SEA Games với tư cách là nhà vô địch Đông Nam Á, vô địch Đại hội thể thao trẻ Châu Á và đại diện bơi lội Việt Nam dự Olympic London.
Gánh nặng với Ánh Viên là rất lớn: Đã 54 năm kể từ khi tay bơi Vũ Thị Sen đoạt HCV 100 mét ở GANEFO năm 1960, bơi lội nữ Việt Nam vẫn chưa chạm tay được tới Vàng.
Thế rồi, không khí ở cung thể thao Wunna Theikdi tại Nay Pyi Taw như vỡ tung khi nữ kình ngư đang ở vào độ tuổi “bẻ gãy sừng trâu” đoạt HCV, khép lại hơn nửa thế kỷ vắng bóng huy chương của bơi nữ. Hơn thế, Viên còn lập kỷ lục SEA Games. Vào giây phút chạm tay vào giấc mơ, kiện tướng của đường đua xanh đã gần như bật khóc, cho dù cô từng thành công ở những đấu trường lớn hơn.
Tuổi đôi mươi ở SEA Games còn là Thạch Kim Tuấn - VĐV cử tạ năm nay vừa tròn 20 tuổi. Tuấn từng đoạt HCĐ giải cử tạ thế giới và đến với SEA Games 27, Tuấn không có gì phải e ngại bởi đẳng cấp của Tuấn đã vượt xa, rất xa so với mặt bằng SEA Games. Nhưng chính thành tích đó lại làm khó Tuấn ở SEA Games, khi những đối thủ không cân sức của anh đã tính chuyện “bỏ… giải chạy lấy người” và điều đó có nghĩa, tài năng của Tuấn sẽ bị vô hiệu hóa.
Nhưng cuối cùng Tuấn cũng đã… được thi đấu và giành được tấm HCV xứng đáng của mình. Với hai kỷ lục SEA Games vừa giành được, Tuấn lại thêm lần nữa tự tin nghĩ đến những đấu trường cao hơn như Asiad, Olympic.
Tuổi 20 của SEA Games không chỉ có những giây phút vinh danh mà còn có cả những giọt nước mắt. Nước mắt Nguyễn Thanh Phúc khi bị xử ép ở môn đi bộ, là nước mắt của những cô gái Kata… nhưng đó vẫn là những giọt nước mắt của ý chí, của lòng tự trọng bị tổn thương.
Tuổi đôi mươi ở SEA Games với những gánh nặng về cuộc sống đời thường, ban đầu có thể nhìn về tấm huy chương SEA Games như một cách để trang trải những khó khăn cho gia đình. Họ có thể nhìn HCV theo cách nhìn rất vật chất nhưng khi bước vào cuộc đua và đặc biệt lúc đứng trên bục vinh quang, đứng hát Quốc ca dưới lá cờ đỏ sao vàng thì tuổi đôi mươi còn có gánh nặng đối với đất nước, với những người đặt vào họ hy vọng và niềm tin.
Thạch Kim Tuấn, Ánh Viên, Nguyễn Thị Lụa… - tuổi đôi mươi ấy cho thấy giá trị của SEA Games, niềm tin và sức mạnh của lớp trẻ, của những con người trẻ Việt Nam trên đấu trường khu vực và xa hơn nữa.
SEA Games với hai sắc diện: Đánh thức những giá trị truyền thống, cổ xưa thông qua những môn thể thao mang đậm nét văn hóa, lịch sử của mỗi dân tộc; đồng thời thổi bùng sức trẻ thanh xuân của những tài năng đã thực sự xứng đáng được coi là một bệ phóng, bàn đạp để thể thao Đông Nam Á, trong đó có thể thao Việt Nam, từng bước vươn mình ra thế giới.
Và vì thế, SEA Games với hai sắc diện rõ ràng của mình vẫn xứng đáng là một ngày hội không thể thiếu của đại gia đình thể thao Đông Nam Á.

Gợi ý dành cho bạn