MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các bà mối dẫn dắt cô dâu đi xem mắt rể. Ảnh: Nhóm PV

Mánh khóe tinh vi của hoạt động môi giới cô dâu Việt cho rể ngoại quốc

Nhóm PV LDO | 15/04/2024 05:56

Đường dây môi giới cô dâu xuyên quốc gia hoạt động với nhiều mánh khóe tinh vi, làm đủ mọi cách "chốt" được càng nhiều cặp dâu rể càng tốt. Sau khi được "chốt đơn" mỗi cô dâu phải đóng phí trả công từ 15 -25 triệu đồng cho bà mối.

Lần theo manh mối từ một cô dâu được tuyển trong cuộc gặp mặt tại khách sạn City View, chúng tôi đã bóc trần ra những mánh khóe của đường dây môi giới xuyên quốc gia này. Cùng với đó là quy trình tuyển vợ "như đi lựa một mớ rau" của những chú rể ngoại quốc.

Việc đầu tiên các cô dâu phải làm ngay sau khi được “chốt” là đóng một khoản phí. Phí này được các bà mối gọi là tiền cọc, phí chống trốn và trả công cho bà mối với tổng số tiền dao động từ 15 - 25 triệu đồng.

Hàng chục cô dâu ngồi chờ đến lượt tuyển. Ảnh: Nhóm PV

"Em cọc hết 15 triệu, tiền này là mất hẳn đấy, đây là tiền môi giới. Mấy mối kia là 22 triệu, còn mối này là 15 triệu thôi. Rồi hắn (chồng) đưa lại cho mình phong bì 7 triệu, rồi mỗi tháng hắn cho mình tiền chi tiêu 7 triệu nữa thì mình coi như hòa" - một cô dâu chia sẻ khi cô vừa phải đóng một khoản phí 15 triệu đồng để được lấy chồng ngoại quốc.

Khi thấy chúng tôi băn khoăn về khoản phí này, bà mối trấn an: "Nếu kết hôn thật thì mất tiền cọc 10 triệu, mất 15 triệu, có mối mất 20 triệu là cao nhất. Còn mối Hải Dương thì mất 1.000 đô (USD), sau khi đính hôn lấy lại được 300 Hàn (won), sau khi chồng về nước họ cho khoảng 300 Hàn, hàng tháng chồng cho tiền ăn khoảng 7 triệu/tháng. Nói chung lấy thật bỏ ra lúc ban đầu, tính đi tính lại không mất gì".

Đồng thời, người này cũng khẳng định, phí ở mối này là rẻ nhất so với các mối khác cùng hoạt động trên địa bàn.

Thế nhưng, cho dù có mất tiền, cuộc sống của các cô dâu Việt sau khi qua xứ người có hạnh phúc, sung sướng như viễn cảnh các bà mối nói hay không, hay chỉ là miếng "bánh vẽ" để họ sớm "chốt" được càng nhiều cô dâu càng tốt thì không ai rõ và cũng không hề thấy đề cập đến.

This browser does not support the video element.

Cũng trong thời gian “nằm vùng” tại đây, chúng tôi đã trò chuyện với cô gái tên Nhung được tuyển chọn nói trên và được biết, để đường dây này được hoạt động trơn tru, hằng ngày “đẻ trứng vàng” cho những “ông tơ, bà nguyệt”, đủ các mánh khóe đã được bày ra.

"Nói chung mối lẻ thì ngon, thoáng. Còn như mối bà Mến mà chị xem chị chốt được là mối to luôn, làm giấy tờ nhanh lắm. Mối to thì mỗi lần về 15 - 20 rể, làm to lắm, bao các thứ luôn. Mối to họ làm nhiều, trong Vườn 66 (Nhà hàng Vườn 66) hoặc Hồng Ngọc đóng tiền bãi mỗi năm, mỗi quý là họ cứ đóng mấy chục triệu" - cô dâu tên Nhung cho hay.

Dường như cả bà mối, cả cô dâu đều biết được việc họ đang làm là không phép nhưng bất chấp, vì lợi nhuận, họ sẵn sàng làm việc trái pháp luật.

"Như hôm qua ý, có người Hàn Quốc trong đó là họ biết mình đang đi xem mắt. Công ty không có giấy phép ở Việt Nam, bà mối không có giấy phép. Việt Nam không có giấy phép nhưng Hàn Quốc có giấy phép, công an biết bắt liền" - cô dâu này chia sẻ.

Khách sạn North River - một trong những địa điểm thường xuyên diễn ra các buổi gặp mặt tuyển dâu Việt cho rể ngoại quốc, địa điểm này đối diện với Huyện ủy Thủy Nguyên. Ảnh: Nhóm PV

Cũng để sớm “chốt" được cô dâu, nhiều người mai mối đã bằng mọi cách qua mặt đại sứ quán, bao gồm cả việc yêu cầu cô dâu có thai trước để "lách luật", bất kể việc này vô cùng gây bất lợi cho cô dâu.

"Đấy là chị Diễm My, chị ý đang đi kích trứng, tháng sau chồng về thì đi thụ tinh nhân tạo. Ông ý cũng sợ nên muốn thụ tinh nhân tạo xong rồi mới đón sang.

Chồng chị ấy muốn có chửa hoặc đẻ tại Việt Nam thì đại sứ quán mới tin tưởng là vợ chồng thật, kết hôn thật" - một cô dâu cho hay.

Thậm chí, khi ra sức mai mối nhưng các cô dâu vẫn chưa chịu đồng ý chú rể, các bà mối không ngại ngần buông những lời chửi mắng, thậm chí là mạt sát cô dâu.

"Nãy cô bảo cái con ý là... mày là vàng ý, nó bảo con sợ. Người mình vẫn còn đây, không thích thì mình lắc đầu đúng không, người ta đã phải trả tiền cho mình rồi, sao mà phải sợ. 2 đứa con rồi còn ỏ ê đ... gì nữa.

Con này đi chơi chứ có phải đi lấy đâu. Nếu người ta đi lấy chồng thật thì vớ được thằng như thế lấy ngay. Nó sinh năm 1993 là ngon đấy, m* mày sinh năm 1993 với 1997 hơn nhau 4 tuổi. Mà cô thấy vô lý sao 1993 với 1997 mà không lấy, vô lý" - bà mối này liên tục chửi mắng các cô dâu khi chú rể ưng mà cô dâu không "chốt".

Với một quy trình khép kín và nhanh, gọn lẹ. Sau khi cô dâu được tuyển chọn, sẽ được đưa lên một chiếc taxi cùng chú rể, phiên dịch và người mai mối nước ngoài đi ăn một bữa cơm, khám sức khỏe, mua 1 bộ quần áo và cuối cùng là tổ chức lễ đính hôn. Mọi thứ diễn ra vỏn vẹn chỉ trong 2 ngày.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn