MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Miệt thị ngoại hình khiến nhiều người tự ti, tâm lý trở nên tồi tệ

Cam Ly LDO | 20/03/2023 07:55

Body shaming (miệt thị ngoại hình) là hành động nhạo báng hoặc chế giễu ngoại hình của một người nào đó. Vấn đề này khiến nhiều người cảm thấy bị xúc phạm, tự ti, thậm chí ám ảnh ở môi trường công sở, trường học.

Khủng hoảng tâm lý nặng nề 

Chị Hồng Nhung (sinh năm 1981, Hà Nội) đã chia sẻ về câu chuyện đặc biệt của bản thân.

Chị Nhung sinh ra được thừa hưởng gien trong gia đình là người cao ráo, khuôn mặt sáng sủa và mái tóc dài. Nhưng không may, chị Nhung lại có một đôi bàn tay gầy guộc, gân guốc, hơi thô.

Đôi bàn tay gân guốc theo chị Nhung từ khi còn là thiếu nữ. Ảnh: Cam Ly.

Dù đã giữ gìn, chăm chút nhưng đôi bàn tay của chị Nhung vẫn không chút cải thiện. Chỉ làm công việc bàn giấy nhưng nếu so sánh thì đôi bàn tay của chị thậm chí còn gân guốc hơn những người lao động vất vả, nặng nhọc. 

Chị Nhung cho biết, bản thân vẫn chưa thôi tâm lý tự ti, bởi không thể quên một câu nói của người đồng nghiệp: “Nhìn bàn tay là biết tuổi tác, đầy vất vả”.

Những người không biết về chị Nhung thì liền phán xét chị nhiều tuổi, lam lũ. Nhưng khi biết rồi thì họ lại hỏi tại sao bị như vậy kèm theo biểu cảm ngỡ ngàng, thậm chí giễu cợt, chê bai.

Dù đã lập gia đình, chị Nhung vẫn chưa thể trút bỏ gánh nặng tâm lý này. Không ít lần chị muốn tìm tới công nghệ “trẻ hoá bàn tay” được quảng cáo đầy rẫy trên mạng nhưng lại chưa đủ tự tin để làm.

“Cho đến bây giờ có gia đình, bàn tay tôi vẫn như vậy. Đó là điều tôi luôn thấy xấu hổ, tự ti. Tôi thường mặc trang phục có túi và giấu đôi bàn tay vào đó” -  chị Nhung bày tỏ. 

Vượt lên chính mình 

Chị Phương Linh (sinh năm 2003, Hà Nội) chia sẻ - từng bị miệt thị vì ngoại hình có phần mũm mĩm hơn mọi người. 

Phương Linh đã vượt lên sự tự ti của bản thân trong cuộc sống. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Việc liên tục bị trêu chọc, bỡn cợt như vậy khiến cô gái trẻ này đã mang theo nỗi ám ảnh, tự ti suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường.

“Bản thân tôi luôn tự hỏi béo hay gầy thì liên quan gì đến họ. Việc họ nói có lợi cho họ, có làm họ đẹp hơn không? Tôi tự hỏi cân nặng của mình ảnh hưởng đến mọi người đến vậy hay sao?” - chị Phương Linh nói.

Để vượt qua những lời miệt thị ngoại hình đó, chị Linh chỉ còn cách bỏ ngoài tai những lời chê bai, soi mói, chỉ quan tâm tới điều tích cực để cuộc sống vui vẻ hơn.

Chị Nguyễn Thị Thuỷ (sinh năm 1977, Ninh Bình) sinh ra cũng bình thường như bao người. Nhưng do biến cố về sức khoẻ và tác dụng phụ của thuốc nên ngoại hình không còn được như trước. 

Khi quay lại với công việc, hoà nhập với cuộc sống bình thường, thay vì sự đồng cảm, chia sẻ của mọi người, chị Thuỷ lại nhận được những phản hồi tiêu cực, thiếu tế nhị về ngoại hình của mình. 

“Mọi người đã quen với hình ảnh cũ và chưa thể đón nhận được hình hài mới này. Điều đó càng khiến tâm lý của tôi rơi xuống đáy. Tôi tự ti, thậm chí nặng nề đến mức muốn trốn chạy tất cả" - chị Thuỷ bộc bạch.

Tiêu cực nhất là việc chị Thuỷ muốn thay đổi chỗ làm, không còn muốn liên quan với những người từng quen biết.

Chị Thuỷ đã phải tìm tới sự trợ giúp của bác sĩ tâm lý. Mất hơn 3 năm chị mới có thể định hình và cân bằng lại mọi thứ, đón nhận và chấp nhận sống chung với ngoại hình mới này.

Người phụ nữ 46 tuổi đã tự khắc phục nỗi sợ của bản thân bằng cách thay đổi trang phục phù hợp hơn với cơ thể. Dần dà, tâm lý của chị Thuỷ cũng vui trở lại, ai đó nếu có nói gì cũng không thể tác động mạnh mẽ tới chị như trước đây.

Không chỉ vậy, khi gặp những người có hoàn cảnh giống bản thân, chị Thuỷ thường tiếp cận và sẵn sàng chia sẻ câu chuyện của mình để an ủi những người đó. 

Chị Thuỷ cho rằng - không phải ai cũng được hoàn hảo và may mắn, tương lai không biết trước sẽ sóng gió ra sao, cơ thể và bản thân có gì thay đổi.

Hãy thoải mái và đón nhận tất cả mọi thứ cho dù đó là khuyết điểm của mình hay bất cứ ai. Không nên lấy đó ra làm một câu chuyện để bàn tán, chê bai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn