MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động đăng kí hưởng trợ cấp thất nghiệp, tìm kiếm việc làm. Ảnh: Hải Nguyễn.

Mở rộng diện đóng bảo hiểm thất nghiệp: Giúp ứng phó hiệu quả các cú sốc

ANH THƯ LDO | 17/02/2023 11:17
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất tất cả những người lao động có hợp đồng lao động đều tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có nhóm lao động có hợp đồng làm việc từ 1 tháng trở lên.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa hoàn thành và trình Chính phủ dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi). Trong đó, nội dung đáng chú ý là đề xuất điều chỉnh một số chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo hướng bổ sung quy định tất cả người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (quy định hiện hành là đủ 3 tháng); bổ sung người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất bổ sung quy định giao Chính phủ xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động căn cứ kết dư quỹ trước các “cú sốc” như: khủng hoảng thị trường, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh.

Về mức thu quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi theo hướng luật chỉ quy định mức trần và giao Chính phủ quy định mức đóng từng giai đoạn. Bởi thực tế có thời điểm quỹ kết dư lớn, nếu muốn giảm mức đóng từ 1% xuống 0,5% phải xin ý kiến Quốc hội.

Theo đó, mức đóng vào quỹ sẽ được quy định như sau: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm và giao Chính phủ quy định cụ thể mức đóng của người lao động, người sử dụng lao động để đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành chính sách của Chính phủ.

Dự kiến Luật Việc làm (sửa đổi) trình Quốc hội khóa 15 xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 tháng 10.2024; thông qua tại kỳ họp thứ 9, tháng 5.2025 và có hiệu lực ngày 1.1.2026.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: "Đề xuất lao động có hợp đồng từ 1 tháng trở lên tham gia bảo hiểm thất nghiệp là rất tốt. Bởi vì người lao động đã có giao kết hợp đồng cần là tham gia bảo hiểm thất nghiệp".

Tuy nhiên, ông Trung cho rằng việc theo dõi, quản lý để kiểm soát được với nhóm đối tượng này thì cần có hệ thống thông tin, dữ liệu về người lao động hoàn chỉnh.

"Theo Luật hiện hành, hợp đồng từ 3 tháng trở lên mới phải tham gia. Nếu người lao động kí hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ đảm bảo chế độ cho người lao động. Cụ thể như không may mất việc làm sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm..." - ông Trung nói.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực hiện từ năm 2009, gồm các chế độ: Trợ cấp thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề và bảo hiểm y tế. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn