MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng chục hộ dân xóm Thậm Thình bất an khi sống cạnh mỏ than Cát Nê (Đại Từ, Thái Nguyên).

Mỏ than ở Thái Nguyên gây ô nhiễm: Dân bảo "có", xã nói "không"

Nguyễn Tùng LDO | 06/07/2022 09:25

Thái Nguyên - Mặc dù mỏ than Cát Nê (huyện Đại Từ) đang bị tạm dừng khai thác để hoàn thiện các thủ tục về môi trường nhưng cả nghìn tấn than che đậy sơ sài án ngữ ngay trong khu dân cư đã khiến người dân bất an, lo lắng về nguy cơ ô nhiễm môi trường.

This browser does not support the video element.

Cả nghìn tấn than tại mỏ Cát Nê tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường cho người dân xóm Thậm Thình (Cát Nê, Đại Từ, Thái Nguyên).

 Những hệ luỵ tiềm tàng

Mỏ than Cát Nê (cấp cho Công ty TNHH kim loại màu Việt Bắc) khai thác từ tháng 3.2012 và cũng từ đó hàng chục hộ dân xóm Thậm Thình (xã Cát Nê, Đại Từ) sống trong bất an, lo lắng. Vùng quê bình yên bị xáo trộn bởi tiếng gầm gào của máy móc và những chiếc xe tải chạy suốt ngày đêm.

Dẫn PV băng qua khu vườn keo để tiếp cận với một moong nước được tạo ra sau quá trình khai thác than, chị Nguyễn Thị Canh (xóm Thậm Thình) cho biết, chỗ này sâu cả chục mét nhưng không có rào chắn, cảnh báo nên rất nguy hiểm cho người và gia súc.

Mông nước sâu tại mỏ than Cát Nê không được rào chắn, cảnh báo tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân sống ngay cạnh. 

Chỉ về phía bên kia moong nước, nơi đang xảy ra hiện tượng sạt lở đất chị Canh lo lắng: "Sạt đến phần đất của nhà văn hoá xóm rồi, họ đào hố sâu lắm. Lo nhất là những hôm có hội họp, trẻ nhỏ theo người lớn đến đây mà ngã xuống thì nguy hiểm đến tính mạng".

Sự bất an tiếp tục nối dài khi cả nghìn tấn than được móc lên rồi tập kết ngay trên bãi đất của công ty nhưng thiếu các biện pháp bảo vệ môi trường. Mỗi khi mưa xuống, dòng nước đen ngòm từ bãi than sẽ ngấm vào suối, nguồn nước ngầm. 

Theo quan sát, trên bãi tập kết ước chừng có khoảng gần 1.000 tấn than trên diện tích khoảng 2.000m2. Chỉ có một số được che chắn bằng bạt sở sài, còn lại thì lộ thiên. Dưới nền bãi là dòng nước đen ngòm, nổi váng còn đóng lại sau cơn mưa.

Người dân xóm Thậm Thình sống trong bất an, lo lắng khi nguồn nước bị ô nhiễm do nước từ bãi than chảy ra. 

Bà Trần Thị Tâm (xóm Thậm Thình) cho biết, chúng tôi thuộc diện di dân từ vùng lòng hồ Núi Cốc về đây từ năm 1975 khai hoang, lập địa. Cây lúa, cây chè trông cả vào nguồn nước suối thì nay bị ô nhiễm khiến cây chậm lớn, có lúc còn bị héo úa.

Nhìn những đống than đang rỉ nước, bà Tâm than thở: "Nắng thì bụi, mưa thì khổ hơn nước chảy từ bãi than đen ngòm cả con suối. Thời gian trước xe tải chạy ầm ầm cả ngày đêm, không ngủ được đã đành nhưng bụi bặm không chịu được".

Để bảo vệ môi trường cũng như giữ lại con đường bê tông mới hoàn thành, từ giữa năm 2021 đến đầu năm 2022 người dân xóm Thậm Thình đã phải tập trung chặn xe chở than của doanh nghiệp khai thác.

This browser does not support the video element.

Người dân xóm Thậm Thình chặn xe chở than của Công ty TNHH Kim loại màu Việt Bắc vì lo ngại ô nhiễm môi trường.

Cũng từ đây những bất đồng, thậm chí dẫn tới xô xát giữ người dân và doanh nghiệp. Ông Dương Văn Thái (xóm Thậm Thình) trong quá trình ra chặn xe chở than đã bị một số đối tượng lạ mặt khống chế, xô đẩy dẫn tới thương tích.

Ông Thái bức xúc: "Tôi là cựu chiến binh, năm nay cũng đã 70 tuổi, chúng tôi chỉ bảo vệ lấy cuộc sống và con đường bê tông do mình đã hiến đất làm. Vậy mà họ hành hung tôi, tôi đã làm đơn tố cáo đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc rồi".

Chưa thể đối thoại

Ngày 4.7, trao đổi với PV, ông Đỗ Thanh Tâm - Chủ tịch UBND xã Cát Nê xác nhận, hiện tại Công ty Kim loại màu Việt Bắc đang dừng hoạt động tại mỏ than Cát Nê để hoàn thiện các phương án bảo vệ môi trường theo quy định.

Ông Tâm cho biết: "Trong quá trình làm các công trình môi trường họ tận thu than và tập kết trên bãi. Vì lo ô nhiễm môi trường nên bà con yêu cầu chở đi. Nhưng khi công ty họ chở than đi chỗ khác thì bà con lại chặn xe.

Thực ra người dân chỉ lo ngại về ô nhiễm môi trường và hỏng đường bê tông khi tập kết và vận chuyển than thôi. Tuy nhiên bà con lại không cho chở đi vì cho rằng Công ty chưa được phép, đó cũng là cái khó".

Người dân lo ngại khi mỏ than Cát Nê được phép hoạt động trở lại trong thời gian tới, tình trạng sẽ tồi tệ hơn. 

Đối với vấn đề ô nhiễm nước suối, ông Tâm khẳng định: "Tất cả các cuộc kiểm tra của bên môi trường đều không phát hiện ô nhiễm. Tuy nhiên cái khó là lúc người dân phản ánh thì ngành môi trường lại không có ở đó, lúc tới nơi thì nước lại trong mất rồi".

Còn theo ông Nguyễn Thế Giang - Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Thái Nguyên, khi các hạng mục bảo vệ môi trường của Công ty TNHH kim loại màu Việt Bắc hoàn thiện thì mới được hoạt động. Mặc dù vậy, ngay cả khi đi vào hoạt động rồi thì việc đối thoại giữa người dân với DN và cả với chính quyền đang khó thực hiện vì thiếu cơ chế cụ thể.

Mỏ than Cát Nê được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép cho Công ty  TNHH Kim loại màu Việt Bắc khai thác theo giấy phép 1612/GP-UBND ngày 28.6.2011 với phương pháp lộ thiên. Trữ lượng 240.000 tấn trên diện tích hơn 2ha, thời gian khai thác 18 năm.

Công ty Kim loại màu Việt Bắc bắt đầu khai thác từ 1.3.2012 sau đó đến tháng 1.2017 thì dừng. Đầu tháng 3.2021 thì khai thác trở lại nhưng sau đó UBND huyện Đại Từ đã yêu cầu Công ty dừng khai thác để thực hiện các nội dung về bảo vệ môi trường theo quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn