MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân bị nhiễm độc methanol tại Bắc Ninh. Ảnh: Bảo Hân.

Mỗi năm 2.000 người không có hợp đồng lao động tử vong do tai nạn lao động

QUỲNH CHI LDO | 25/05/2023 10:25

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động chiếm đa số trong lực lượng lao động hiện nay (hết quý I/2023 là 33 triệu người).

Tuy nhiên, nhiều người lao động trong khu vực này đang bị tai nạn lao động nghiêm trọng trong quá trình lao động. Trong 5 năm qua, chỉ tính riêng số người làm việc không theo hợp đồng lao động bị chết do tai nạn lao động là trên 2.000 người/năm (gấp gần 2 lần khu vực người lao động có quan hệ lao động). 

Lao động làm việc không theo hợp đồng lao động khi bị tai nạn lao động rất cần được chữa trị và có các khoản hỗ trợ để giảm bớt khó khăn. Do đó, kế thừa các quy định từ Bộ luật Lao động 2012, Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

Cụ thể, đã quy định rộng hơn về chính sách của Nhà nước trong việc chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, áp dụng cho cả những người làm việc không theo hợp đồng lao động. Đồng thời, tại Điểm c Khoản 3 Điều 6 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định: "Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động có quyền tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện do Chính phủ quy định".

"Bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện" hiện đã có các sản phẩm bảo hiểm thương mại về tai nạn lao động ở Việt Nam đang được các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp qua hình thức bảo hiểm sức khỏe theo Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết Luật này, góp phần thực hiện chính sách bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện.

Tuy nhiên, do bảo hiểm thương mại với mục tiêu lợi nhuận, nên có những hạn chế nhất định trong việc thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh cho người bị nạn và thân nhân của họ (như thiếu chế độ chi dài hạn để bù đắp tổn thất về thu nhập; người nghèo thường không có điều kiện tham gia; phải đóng theo thời hạn cam kết ngay cả khi không có việc làm...).

Bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với tai nạn lao động ở Việt Nam hiện chưa có. Vì vậy, cần xây dựng các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện về tai nạn lao động, trên cơ sở khắc phục các hạn chế của bảo hiểm thương mại, đồng thời kế thừa tính ưu việt bảo hiểm xã hội bắt buộc về tai nạn lao động trong việc bảo đảm an sinh xã hội.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định, việc ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm xã hội tự nguyện về tai nạn lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động là cần thiết, góp phần đồng bộ các chính sách trong bảo đảm an sinh xã hội theo quy định tại Điều 34 và Điều 59 của Hiến pháp năm 2013.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn