MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh thích thú với cách dạy học, ra đề Văn mở, gắn với hơi thở, sự kiện của cuộc sống hiện đại. Ảnh: LDO

Môn Ngữ văn: Làm gì để tránh học vẹt, sáo mòn?

ĐĂNG TRUNG LDO | 26/10/2017 16:55
Đọc bức tâm thư “ly dị” môn Ngữ văn của Lê Uyên Phương (đã có 4 năm du học ở Hà Lan), là một GV Ngữ văn, tôi giật mình, vì thấy… quá đúng. Nếu không thay đổi, môn Văn trong nhà trường sẽ trở nên sáo mòn.

Những “căn bệnh” của lối dạy, học văn trong nhà trường hiện nay mà Uyên Phương đã chỉ ra như “tính gia trưởng”, “hay mơ mộng”, “không chịu tiếp thu cái mới” phản ánh trúng thực trạng.

Việc dạy học, ra đề thi, vẫn chủ yếu về yêu cầu tạo lập văn bản viết. Số tiết học rèn luyện kỹ năng nói chiếm tỷ lệ rất thấp.

Trong tổng số 595 tiết của chương trình Ngữ văn THCS, số tiết rèn luyện, thực hành kỹ năng nói chỉ lác đác trên đầu ngón tay: Luyện nói kể chuyện; Luyện tập xây dựng bài tự sự - Kể chuyện đời thường; Kể chuyện tưởng tượng; Thi kể chuyện; Luyện nói về quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả; Luyện nói về văn miêu tả (lớp 6); Luyện nói: Văn biểu cảm về sự vật, con người; Luyện nói: Phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm văn học (lớp 7)…

Chương trình Ngữ văn THPT hiện hành có 333 tiết, tuy nhiên, không có bài học nào dành riêng rèn luyện kỹ năng nói. Mặc dù, trong chương trình có nhiều bài học liên quan đến kỹ năng này: Phát biểu tự do, Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ, Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt, Từ ngôn ngữ chung đến lời nói cá nhân, Phương pháp thuyết minh…

Ngay cả những bài rèn luyện kỹ năng nói của bậc THCS cũng rất ít các chủ đề của giao tiếp đời thường. Do đó, học sinh học xong THCS và THPT kỹ năng nói rất yếu, thường lúng túng trong các hoạt động giao tiếp đời thường.

Trong khi đó, khi vào đời, hầu hết học sinh sẽ không sử dụng đến các kiến thức chuyên môn, có tính chất hàn lâm về ngôn ngữ học hay văn chương.

Thiết nghĩ, cơ cấu chương trình Ngữ văn như trên là bất cập, cần phải có sự điều chỉnh theo hướng tăng cường rèn luyện kỹ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ nói, hướng về các tình huống giao tiếp thông thường, tăng cường thực hành các loại văn bản hành chính gắn với đời thường.

Cụ thể, đó là các kỹ năng dẫn chương trình (MC); kỹ năng nói trước đám đông, phát biểu trong các cuộc họp, điều hành họp; kỹ năng thương thảo, thuyết phục; kỹ năng phản biện, kỹ năng giải quyết các tình huống như bị chỉ trích, bị chất vấn; kỹ năng giải quyết các mâu thuẫn, xung đột trong đời sống; kỹ năng trả lời phỏng vấn tuyển dụng…

Các loại văn bản hành chính thông thường cần được rèn luyện một cách thành thục như viết các loại đơn từ, kiến nghị, tờ trình, các loại biên bản, hợp đồng… thông qua các tình huống, các bài học thực hành, các chương trình thực tế…

Nếu đi theo hướng này, chương trình Ngữ văn trong trường phổ thông sẽ hấp dẫn, sinh động, thiết thực, tránh được lối mòn lý thuyết kinh viện, diễn giảng nhàm chán, cũng như lối học vẹt, làm theo văn mẫu để đối phó cho qua các kì thi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn