MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Kim Thị Hậu trong căn phòng trọ của gia đình tại xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Bảo Hân

Mong giảm tuổi nghỉ hưu hơn là giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội

Bảo Hân LDO | 14/03/2023 10:00

Với đặc thù công việc, nhiều công nhân lao động trực tiếp mong được giảm tuổi nghỉ hưu vì lo ngại không đủ sức khoẻ để làm việc khi ngoài độ tuổi 50. 

Chị Kim Thị Hậu là công nhân may trong Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) nhiều năm nay. 

Khi được hỏi về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, nữ công nhân này cho biết mình không nắm được thông tin cụ thể do công việc quá bận rộn, không có thời gian để tìm hiểu.  

Tuy nhiên, chị có nghe nói về đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm trở lên được hưởng lương hưu (thay vì 20 năm như hiện nay).  

Nữ công nhân này cho biết, chị mong muốn được giảm tuổi nghỉ hưu hơn là giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để được nhận lương hưu. 

“Hiện nay, nhiều công nhân lao động trực tiếp mà tôi biết có ý định sẽ rút bảo hiểm xã hội một lần sau khi đủ khoảng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, mà không chờ để sau này được nhận lương hưu” - chị Hậu nói.  

Chị Hậu đưa ra ví dụ, khi công nhân ở độ tuổi 45-50, có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, thì phải ngoài 60 tuổi mới được nhận lương hưu, tức là phải chờ hơn 10 năm. Trong thời gian đó, công nhân lo lắng khi sức khoẻ có thể xảy ra những điều họ không lường trước được.  

“Trong thời gian 10 năm đó, giả sử không may xảy ra điều gì đối với sức khoẻ thì công nhân sẽ thiệt thòi so với số tiền bảo hiểm xã hội một lần mà họ rút. Vì thế nhiều công nhân có ý định rút bảo hiểm xã hội một lần” - chị Hậu giải thích.  

Chị Hậu mong muốn và đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu cho người lao động trực tiếp xuống 50-55 tuổi. “Có lẽ đây là mong muốn của nhiều người. Giảm tuổi nghỉ hưu thì tốt hơn cho người lao động trực tiếp hơn là giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được nhận lương hưu” - chị Hậu bày tỏ.  

Năm nay 38 tuổi, nữ công nhân này cho rằng, nếu ngoài 50 tuổi thì chị sẽ rất khó khăn về sức khoẻ để đáp ứng công việc. “Tôi chưa có dự định rút bảo hiểm xã hội một lần hay sẽ tiếp tục làm việc cho đến tuổi nghỉ hưu. Trước mắt, tôi cứ đi làm để kiếm sống cho gia đình rồi tuỳ cơ ứng biến. Nếu thấy sức khoẻ đáp ứng được, công việc ổn định thì tôi sẽ tiếp tục làm việc; ngược lại thì tôi sẽ xin nghỉ việc và rút bảo hiểm xã hội một lần” - chị Hậu cho hay.  

Chị Hậu nói thêm, công việc của công nhân trực tiếp như chị khá bấp bênh. Nhiều trường hợp công ty phá sản, hết việc hoặc cảm thấy công việc không phù hợp nữa thì công nhân sẽ bỏ việc, có thể xin làm việc tại công ty khác hoặc trở thành lao động tự do. “Không thể nói trước được điều gì” - chị Hậu nói.  

Trao đổi với phóng viên, một chủ tịch công đoàn cho biết, qua nắm bắt, nhiều công nhân lao động trực tiếp lo lắng khi tuổi nghỉ hưu tăng: Họ có đợi được, đi làm được đến tuổi đó để lĩnh lương hưu hay không.

“Đặc thù công việc lao động chân tay là rất vất vả, rất khó làm việc đến tuổi 60. Trong khi đó, 60 tuổi mới đủ tuổi nghỉ hưu, nên họ tính sẽ rút bảo hiểm xã hội một lần để trang trải cho cuộc sống” - chủ tịch công đoàn bình luận. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn