MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lễ khai giảng năm học mới của thầy trò trường tiểu học Khương Thượng, Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Mong muốn gì ở năm học mới?

Bích Hà LDO | 04/09/2017 07:06
Bước vào năm học mới, phụ huynh và nhất là các em học sinh có những mong muốn, kỳ vọng gửi tới các thầy cô và những người làm công tác quản lý giáo dục. 

Nguyễn Ngọc Quỳnh Phương, học sinh lớp 11 Trường Hà Nội - Amsterdam: Đừng bắt học sinh nghe - đọc - chép!

Em mong các thầy cô tập trung vào cách truyền tải kiến thức hơn là nội dung kiến thức. Hãy cho chúng em tham gia vào bài giảng một cách chủ động hơn, thay vì dừng lại ở việc nghe, đọc, chép.

Ngoài ra, hình thức kiểm tra cũng cần đa dạng chứ không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra miệng, làm bài trên giấy như hiện nay. Em nghĩ cần có những hình thức như bài thuyết trình trên lớp hay thực hành ở nhà. Như vậy chúng em sẽ nhớ bài tốt hơn và sẽ không gây nhàm chán trong việc học.

Anh Đặng Minh Hiếu, có con vào lớp 1, ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội): Tránh việc lạm thu đầu năm học!

Tôi nghĩ ngoài các khoản thu theo quy định, phụ huynh nào có con em đi học cũng sẵn sàng chung tay đóng góp thêm theo đề xuất của hội phụ huynh để các cháu có điều kiện học tập đầy đủ, tốt hơn.

Tuy nhiên, mong các thầy cô đừng lạm thu, mà khổ phụ huynh và bọn trẻ. Quá trình chi phải công khai và phục vụ đúng mục đích. Đặc biệt, khi phát hiện các khoản chi không hợp lý, tôi nghĩ phụ huynh nên mạnh dạn có góp ý kịp thời.

Nhà báo Trương Anh Ngọc: Đừng bắt con trẻ “đội” nắng mưa dự khai giảng!

Tôi nghĩ ngày khai giảng bây giờ không còn có giá trị là ngày đầu tiên trẻ đến trường, không còn có ý nghĩa thực sự như ngày xưa nữa, mà ngày càng rình rang, hình thức.

Ai đó sẽ nói ngày đó vẫn cần thiết. Trước hết, đó là ngày toàn dân đưa trẻ đi học, và sau đó là dịp để bọn trẻ ăn mặc đẹp, các trường tổ chức hoành tráng, cha mẹ các cháu và chính các cháu cảm thấy sung sướng, vì được đến trường.

Thực ra nếu chỉ vì như thế, ngày 5.9 cũng chẳng còn giá trị thực tiễn nữa, một khi người ta có thể cho trẻ mặc đẹp hàng ngày, chụp ảnh chúng rồi post lên mạng khi nào mình thích.

Một lễ khai giảng đơn thuần là vì mục đích hình thức như bao lễ lạt chúng ta đã thấy nhan nhản hàng ngày trên báo hoặc tivi, để các lãnh đạo đọc diễn văn và hứa hẹn thành tích (luôn là thế), để quay phim chụp ảnh, thì thực ra lại càng không cần thiết nữa.

Nhiều phụ huynh bảo với tôi rằng, khai giảng chỉ khổ con họ, kéo dài lê thê cả sáng, trẻ con đội nắng, thậm chí còn phải tập khai giảng. Trong khi khai giảng đáng lẽ sẽ là ngày vui, khơi gợi cho trẻ sự ham học, yêu trường yêu lớp… thì bây giờ, nhà trường “ăn cắp” luôn kỳ nghỉ hè của trẻ.

Sự ham mê với kiến thức của đám trẻ, tình yêu trường lớp của chúng không phải ở ngày khai giảng hoành tráng đến đâu, mà ở việc chúng được học thế nào, bạn bè và cô giáo chúng cũng như chương trình học ra sao.

Tôi nghĩ ngày khai giảng đừng làm gì to tát. Hãy làm một điều gì đó vô cùng giản dị, càng đơn giản ngắn gọn càng tốt, vì làm rình ràng, không chỉ mất thời gian mà còn tốn kém nữa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn