MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những hành vi ứng xử đẹp của công chức viên chức sẽ luôn được người dân ghi nhận (Ảnh theo www.vietnamtourism.com)

Một bộ “quy tắc ứng xử” vì Hà Nội văn minh, thanh lịch

XUÂN CHIẾN LDO | 26/12/2016 14:50
Hà Nội không chỉ là thủ đô mà còn là “trái tim”, trung tâm văn hóa của cả nước. Vì vậy, nhân dân khắp nơi luôn hướng về Hà Nội với một niềm tin yêu, trân trọng. Năm 2016 sắp đi qua, trước thềm năm mới, Hà Nội có một “sự kiện văn hóa” đặc biệt đang được mọi người quan tâm, đó là sự ra đời của “Bộ quy tắc ứng xử của cơ quan, đơn vị hành chính thành phố”. Với tư cách của một công dân hướng về thủ đô, tôi xin mạn phép góp một góc nhìn nhỏ về sự kiện này.

Từ năm 2012, Hà Nội đã tiến hành xây dựng đề án “Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, nơi công cộng thành phố Hà Nội tầm nhìn 2020” do Sở VH-TT-DL Hà Nội chủ trì, Khoa Quốc tế - ĐHQG Hà Nội thực hiện.

Cuối năm 2012, Sở VH-TT-DL Hà Nội phối hợp cùng Khoa Quốc tế, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Góp ý xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” với 3 chuyên đề: Quy tắc ứng xử tại cơ quan hành chính, bệnh viện, trường học; Quy tắc ứng xử tại các doanh nghiệp; Quy tắc ứng xử tại khu dân cư và nơi công cộng.  

Được biết, đơn vị chủ trì và thực hiện đề án này không chỉ dựa vào sự thu thập ý kiến góp ý của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia văn hóa mà còn khảo sát, điều tra xã hội học trên nhiều địa bàn của thành phố với tinh thần khoa học, khách quan và thận trọng.  

Cho đến nay “Bộ quy tắc ứng xử của cơ quan, đơn vị hành chính thành phố Hà Nội” (sau đây xin gọi tắt là “Bộ quy tắc ứng xử” hoặc “Bộ quy tắc”) đã hoàn tất, dự kiến được phê duyệt và ban hành vào ngày 01.01/2017.  

Phải nói Bộ quy tắc này được hình thành với cơ sở vững chắc, xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn, mang tính nghiên cứu rất công phu, thận trọng, đặc biệt thể hiện cái tâm của người lãnh đạo đối với văn hóa và con người Hà Nội.  

Về ý tưởng, Bộ quy tắc này không mới, vì từ năm 2007, Bộ Nội vụ đã ra Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày 26.7.2017 về việc ban hành “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương”, trong đó đã quy định “những việc cán bộ, công chức phải làm”, “những việc cán bộ, công chức không được làm” trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội.

Nhưng về nội dung, Bộ quy tắc này đã cụ thể hóa, chi tiết hóa những quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị hành chính theo đặc thù văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại của người thủ đô.  

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội quyết tâm và đi đầu trong xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị hành chính” cũng như “Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng”.  

Thời gian qua trên diễn đàn báo chí, rất nhiều lãnh đạo phụ trách công tác văn hóa đã tỏ ra lo ngại, đồng thời thẳng thắn chỉ ra rằng “văn hóa Hà Nội đang thực sự có vấn đề”, sự ứng xử của một số người đang “lệch chuẩn” khi môi trường xã hội có nhiều đổi thay. Xin được trích dẫn ý kiến của TS. Lê Thị Bích Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ trên báo Đất Việt:  

“Lối ứng xử nhã nhặn, thanh lịch của người Hà Nội đang mất dần, thay vào đó là lối nói xô bồ, tục tĩu, huỵch toẹt, thiếu văn hóa, kiểu ăn nói “lệch chuẩn”, nhất là ở giới trẻ. Nhiều fan cuồng ồn ào, la hét, quỳ mọp dưới chân thần tượng nhưng lại kiệm lời, không biết nói lời “cám ơn”, “xin lỗi”.

“Ngoài đường phố, dù một va chạm nhỏ, người ta cũng không tiếc lời rủa xả nhau. Người đáng tuổi con cũng túm ngực người đáng tuổi cha chú và nói câu: “Thằng già! Biến ngay cho nước trong”… Ở cơ quan, người ta ăn cắp, câu giờ của Nhà nước, kiếm chuyện làm quà, chén chú chén anh”.

“Nơi dịch vụ công cộng của Nhà nước, người ta hách dịch, hất hàm, nói trống không với khách lớn tuổi và thỏa sức “kể chuyện gia đình, sinh hoạt” không mấy hay ho buộc khách phải nghe”.(*)/ Không chỉ riêng tiến sỹ Hồng mà rất nhiều người, từ nhà nghiên cứu, người làm công tác văn hóa cho tới người dân có tâm với Hà Nội đều than phiền, lo ngại như vậy.  

Vậy có thể nói, “Bộ quy tắc ứng xử của cơ quan, đơn vị hành chính thành phố Hà Nội” ra đời như một lẽ tất yếu, nó có nền tảng hình thành vững chắc, thực sự vì một nền văn hóa thủ đô văn minh, thanh lịch. Một bộ quy tắc ứng xử được hình thành như vậy tất yếu sẽ được cán bộ và nhân dân thủ đô cũng như cán bộ và nhân dân cả nước hết sức ủng hộ, hoan nghênh.

Đương nhiên, Bộ quy tắc ứng xử nói trên cũng như bất kỳ cái mới nào ra đời cũng đối diện với đôi điều mang tính “mâu thuẫn, xung đột”, bởi vì đời sống xã hội vốn rất phong phú, phức tạp, có muôn hình vạn trạng. Triết học đã chỉ ra “ý thức xã hội” luôn lạc hậu hơn “tồn tại xã hội”. Vì vậy cần phải xác định rằng sẽ không có một bộ “quy tắc ứng xử văn hóa” nào đầy đủ và tối ưu cả, và chúng ta không nên cầu toàn một cách “khắt khe” quá.  

Một số điểm trong “Bộ quy tắc ứng xử” đang gây tranh luận, băn khoăn trên diễn đàn, đó là quy định về mặc váy, sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa... Nguyên nhân có lẽ vì quy định hơi cụ thể, tỉ mỉ quá hoặc vì cách dùng từ, diễn đạt còn chung chung, “trừu tượng” (từ “phù hợp” trong cụm từ “sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phải phù hợp”, một số người thắc mắc “thế nào là phù hợp ?”).

Khoan vội “quy chụp” rằng quy định trên vi phạm quyền tự do cá nhân, mà phải bắt đầu từ việc xem xét mục đích, ý nghĩa của nó. Nên xem quy định ấy như quy định của cơ quan (nội quy), “nhập gia tùy tục” trong 8 giờ thực hiện công vụ, không ai cấm chị em ăn mặc, trang điểm, dùng mỹ phẩm theo sở thích ngoài giờ làm việc tại công sở.  

Tôi nghĩ vài điểm băn khoăn trong “Bộ quy tắc ứng xử” ấy chỉ là thứ yếu, rất thứ yếu, và không vì thế mà “Bộ quy tắc ứng xử” giảm đi ý nghĩa, giá trị. Ban soạn thảo chỉ cần điều chỉnh một số chỗ cho “chuẩn hơn” là xong. Và nhất thiết Bộ quy tắc này sau khi ban hành sẽ có một thời gian thực hiện thí điểm để dần dần điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tiễn.  

Một số người băn khoăn về tính khả thi của Bộ quy tắc này. Thiết nghĩ, điều gì mình tin là đúng, hợp ý Đảng lòng dân, mang mục đích và ý nghĩa tốt đẹp thì mạnh dạn làm, quyết tâm làm. Chưa làm đã hoài nghi, thiếu niềm tin là không nên. Thay đổi một thói quen, nếp nghĩ trong văn hóa không phải là điều đơn giản và dễ dàng thành công trong một sớm một chiều. Nó cần một quá trình kiên trì, bền bỉ trong thực thi, hành động, chủ yếu là “làm” chứ không phải là “nói”.  

Việc ban hành “Bộ quy tắc ứng xử của cơ quan, đơn vị hành chính” của thủ đô Hà Nội là rất cần thiết, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cấp bách trong bối cảnh hiện nay, khi mà sự văn minh, thanh lịch của một số người Tràng An đang có vấn đề. Hy vọng Bộ quy tắc này sẽ là “cẩm nang” ứng xử văn hóa của cán bộ, công chức Hà Nội và là cơ sở để cán bộ, công chức cả nước tham khảo, học tập.

(*): Bài “Hà Nội rất kinh hãi trong mắt các quan chức văn hóa”, tác giả: Trường Giang), báo Đất Việt (http://baodatviet.vn/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/201301/Ha-Noi-rat-kinh-hai-trong-mat-cac-quan-chuc-van-hoa-2209365/)

Hãy tham gia Diễn đàn! Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình tại phần Bình luận sau mỗi bài viết; bấm vào chuyên mục "Làm báo cùng Lao Động" hoặc gửi vào địa chỉ email: bandoclaodong@gmail.com; Fanpage Báo Lao Động: www.facebook.com/laodongonline. Bài viết của bạn đọc sẽ được trả nhuận bút. Bình luận (comment) của bạn đọc nhận được nhiều lượt thích (like) sẽ có phần thưởng xứng đáng. Trân trọng cảm ơn mọi đóng góp của bạn đọc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn