MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một dự án dự thi khoa học kĩ thuật của học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS - THPT huyện Đắk R’lấp, trong đó có các sản phẩm do người dân địa phương bán trên thị trường. Ảnh: Hải Đăng

Một giáo viên lên tiếng đề nghị bãi bỏ cuộc thi khoa học kĩ thuật

QUANG ĐẠI LDO | 30/01/2024 06:15

Một giáo viên phổ thông tại tỉnh Đắk Nông thẳng thắn cho rằng, cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh là không thực chất, không trung thực, đề nghị bãi bỏ cuộc thi này.

This browser does not support the video element.

Bà Kiều Thị Giang - giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS - THPT huyện Đắk R’lấp tỉnh Đắk Nông - đề nghị bãi bỏ cuộc thi khoa học kĩ thuật trước toàn thể hội đồng nhà trường. Clip do nhân vật cung cấp

Ngày 27.1, thông tin với phóng viên, bà Kiều Thị Giang - giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS - THPT huyện Đắk R’lấp tỉnh Đắk Nông - cho biết, sáng cùng ngày, bà đã có ý kiến phản đối cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trước lãnh đạo nhà trường và hội đồng sư phạm.

Theo đó, sáng 27.1, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS - THPT huyện Đắk R’lấp tổ chức cuộc họp hội đồng. Cuộc họp có sự tham dự của ban giám hiệu và toàn bộ tập thể cán bộ, nhà giáo, người lao động nhà trường.

Tại cuộc họp nói trên, hiệu trưởng tôn vinh các học sinh đạt giải trong cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh tỉnh Đắk Nông vừa diễn ra.

Bà Kiều Thị Giang - giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS - THPT huyện Đắk R’lấp tỉnh Đắk Nông - nhiều lần phản đối cuộc thi khoa học kĩ thuật. Ảnh: Hải Đăng

Bà Kiều Thị Giang lên tiếng đề nghị bãi bỏ cuộc thi, vì theo bà, đây là một hoạt động không thực chất, không trung thực.

“Toàn bộ ý tưởng đề tài dự án đều do giáo viên tự làm, tự thiết kế sau đó ráo riết hướng dẫn cho học sinh tập luyện để thuyết trình, biến sản phẩm của giáo viên thành của học sinh. Do đó, khi đi thi, tất cả đang trình diễn một quy trình ngụy tạo, ai cũng biết như thế nhưng cứ để cho nó diễn ra” - bà Kiều Thị Giang nói.

Ngoài ra, theo bà Kiều Thị Giang, cuộc thi đi ngược lại với nguyên tắc giáo dục học sinh phẩm chất trung thực và khả năng sáng tạo; dự án thi xong không có khả năng ứng dụng trong đời sống; cuộc thi không công khai quy trình, có trường hợp mua sản phẩm ngoài chợ về dự thi...

Theo nội dung clip do bà Giang cung cấp, trả lời ý kiến bà Giang, có một giáo viên cho rằng, sản phẩm là ý tưởng của học sinh, thầy cô là người hướng dẫn và năm tới, đề nghị bà Giang tham dự cuộc thi.

Một giáo viên khác giải thích, trong quá trình triển khai dự án, học sinh có mua sản phẩm mĩ nghệ do người dân tộc tại địa phương làm, sau kết hợp với thiết bị điện để cho ra sản phẩm dự thi.

Lễ bế mạc Cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2023-2024 tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Hải Đăng

Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS - THPT huyện Đắk R’lấp - ông Hoàng Ngọc Tránh - cho biết, không có cơ sở để cho rằng sản phẩm dự thi là của giáo viên như bà Giang nói. Ông cũng nói thêm, vấn đề này cần rút kinh nghiệm để cuộc thi lần sau trở nên tốt hơn.

Tuy nhiên, bà Kiều Thị Giang vẫn khẳng định quan điểm của mình: "Rõ ràng chúng ta đều thấy, đây là sản phẩm của giáo viên hướng dẫn học sinh đi thi. Tôi biết học sinh đi thi là do nhà trường chọn từng em có kỹ năng để đưa đi thi chứ đâu phải dự án của các em. Tôi không tham gia cuộc thi này vì đây là cuộc thi không trung thực”.

Trao đổi thêm với phóng viên, bà Kiều Thị Giang cho hay, bà biết rất rõ thực chất cuộc thi khoa học kĩ thuật là không trung thực, đã lên tiếng phản đối nhiều lần song không có tác dụng.

Liên quan đến sự việc này, thông tin từ lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông cho biết, việc cô Kiều Thị Giang chia sẻ trên mạng xã hội rằng cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh không thực chất, không trung thực và đề nghị bãi bỏ cuộc thi này là ý kiến cá nhân.

Trước hết, cuộc thi khoa học kỹ thuật là chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhằm khuyến khích các em học sinh phát huy tính sáng tạo, tự tìm tòi nghiên cứu để phát triển khoa học kỹ thuật.

Việc cô giáo Giang phản ánh tại trường cô đang giảng dạy cuộc thi này diễn ra không thực chất, chủ yếu là do giáo viên tự làm rồi áp đặt cho học sinh thực hiện thì Sở Giáo dục và Đào tạo đang đề nghị nhà trường khẩn trương báo cáo làm rõ.

Nếu có sự việc như cô Giang phản ánh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông sẽ khẩn trương vào cuộc chấn chỉnh kịp thời để bảo đảm tính khách quan, minh bạch và tạo tính tự lập cho các em học sinh trong các cuộc thi.

"Qua sự việc này, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông đề nghị các nhà trường không chạy theo thành tích mà phải dạy học sinh đức tính thật thà, tự lập, tự cường, tự mày mò khám phá trong học tập" - lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông cho biết thêm.

Cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học được Bộ GD - ĐT tổ chức lần đầu vào năm 2013. Từ đó đến nay, cuộc thi được tổ chức mỗi năm một lần vào học kỳ 2 của năm học. Từ năm 2013 - 2019, cuộc thi được tổ chức tại hai điểm ở hai miền Bắc, Nam với số lượng tham dự là 4 - 6 dự án/đơn vị dự thi, và được tổ chức lần lượt ở các địa phương khác nhau.

Mặc dù số lượng dự án đạt giải tại cuộc thi khoa học kĩ thuật các cấp lên đến hàng chục nghìn trong hơn 10 năm qua, nhưng đến nay chưa thấy Bộ GD-ĐT công bố số lượng dự án đã được đưa vào áp dụng, ứng dụng trong thực tế.

Bên cạnh đó, có nhiều thông tin về các hiện tượng lùm xùm, thiếu trung thực, bất thường trong quá trình tổ chức cuộc thi và các dự án dự thi. Đã có nhiều ý kiến đề nghị bãi bỏ hoặc điều chỉnh cuộc thi. Cuối năm 2023, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo sửa đổi quy chế cuộc thi để xin ý kiến giáo viên, đến nay vẫn chưa ban hành quy chế mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn