MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Một người khuyết tật hơn 10 năm trăn trở tìm việc làm phù hợp

LƯƠNG HẠNH LDO | 12/04/2023 11:35
Là người khuyết tật, sức khỏe ngày một yếu dần, anh Minh lo ngại không thể tiếp tục làm công việc phụ xây hiện tại. Hơn 10 năm nay, anh vẫn trăn trở tìm kiếm một công việc lâu dài phù hợp với bản thân, có tiền lo cho vợ con.

Ngay từ khi 8 tháng tuổi, anh Nguyễn Văn Minh (SN 1981, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) thường xuyên sốt cao, phải liên tục thăm, khám tại các bệnh viện lớn.

Sau khi gia đình phát hiện anh mắc căn bệnh viêm cơ, nhiều lần đã đưa anh đi phẫu thuật, điều trị bệnh.

Trong suốt quá trình trưởng thành, anh Minh phải chịu đựng cơn đau do căn bệnh quái ác đem lại. Bàn chân phải co quắp khiến anh không thể đi, đứng như bao người bình thường khác, anh vĩnh viễn trở thành người khuyết tật.

Anh Minh kể, học xong cấp 2, nhà nghèo, bàn chân thường xuyên đau nhức, anh xin nghỉ học để tìm việc làm tại nhà.

“Tôi vẫn may mắn hơn nhiều người khuyết tật khác bởi chân trái và hai tay vẫn còn lành lặn. Tôi không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, nhưng sức khỏe tôi thế này, lại không có bằng cấp nên chỉ đi làm phụ xây” – anh Minh tâm sự.

Anh Minh đã tìm kiếm việc làm phù hợp với bản thân trong hơn 10 năm. Ảnh: Lương Hạnh

Mỗi ngày, anh Minh kiếm được 200.000 đồng từ công việc này. Năm 2007, anh Minh lập gia đình, hiện tại vợ chồng anh có 2 con trai, cháu lớn học lớp 9, cháu nhỏ học lớp 4.

Hai con ngày một lớn dần, áp lực phải lo cho vợ con đè lên đôi vai người chồng, người bố khuyết tật. Vợ anh Minh cũng là lao động tự do, hai vợ chồng ra sức làm việc nhưng vẫn luôn phải sống trong cảnh túng thiếu. 

Năm 2013 khi sức khỏe yếu đi, một lần nữa anh Minh thực hiện phẫu thuật. Sau mổ, dù cơn đau nhức chân phải hành hạ, anh Minh vẫn phải làm công việc phụ xây.

Bên cạnh đó, anh luôn tìm kiếm việc làm phù hợp với sức khỏe.

“Bây giờ tôi cũng lớn tuổi, sức khỏe không đảm bảo, xin vào công ty trong khu công nghiệp họ không nhận. Nhiều lần, tôi cũng đến những bảng tuyển dụng, để lại số điện thoại, địa chỉ nhưng không thấy ai gọi đến phỏng vấn” – anh Minh cho hay.

Hiện nay, TP Hà Nội có khoảng hơn 100.000 người khuyết tật, trong đó khoảng hơn 30.000 người có khả năng lao động. Anh Minh là 1 trong 30.000 người khuyết tật, có khả năng lao động, hy vọng tìm kiếm được việc làm.

Cần tăng cường các phiên giao dịch việc làm dành cho người khuyết tật. Ảnh: Lương Hạnh

Ông Trịnh Xuân Dũng - Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Hà Nội cho biết, cần tăng cường các phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật. 

Những phiên việc làm như thế này cần được duy trì để người khuyết tật ngày càng có nhiều cơ hội tìm được việc làm trên thị trường lao động.

Cần mở rộng những phiên giao dịch việc làm về tại các quận, huyện để phù hợp hơn nữa đối với người khuyết tật khi họ đến tham gia.

Theo ông Dũng, các công ty, doanh nghiệp các cơ sở kinh doanh khi có nhu cầu tuyển lao động là người khuyết tật nên tạo cho người khuyết tật có một môi trường, bầu không khí thân thiện và có đường dốc hay khu vệ sinh tiếp cận để người khuyết tật được thuận tiện khi đến làm việc.

Bên cạnh đó, chính bản thân người khuyết tật phải nỗ lực hoàn thành công việc được giao thực hiện, chấp hành tốt những nội quy, quy định của công ty, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Trước đó, ngày 11.4, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật. 

Phiên giao dịch việc làm này có sự tham gia của 33 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh 901 chỉ tiêu; trong đó có 12 doanh nghiệp tuyển dụng, tuyển sinh 340 lao động là người khuyết tật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn