MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Đặng Văn Chung cho rằng, nguyên nhân gây nứt nhà mình là do việc khoan mố cọc cầu Vông Vàng 2 gây ra. Ảnh: Phong Quang

Một nhà dân nứt chân chim, cầu dân sinh phục vụ 500 hộ chậm tiến độ 6 tháng

Phong Quang LDO | 11/06/2021 12:21

Cầu dân sinh Vông Vàm 2 (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) bị chậm tới 6 tháng vì chưa chưa giải quyết dứt điểm chuyện nứt nhà dân trong quá trình thi công.

Nhà nứt, cầu chậm thi công

Dự án cầu dân sinh Vông Vàm 2 sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang. Đơn vị thi công là Công ty TNHH 27/7.

Phản ánh tới báo Lao Động, ông Đặng Văn Chung (xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn) cho biết: Ngày 20.11.2020, đơn vị thi công tiến hành khoan mố M1 (chiều sâu được 6/12m) cách móng nhà ông chừng 17m. Đến này 21.11.2020, ông Chung yêu cầu dừng thi công với lý do việc khoan cọc gây nứt trần và tường nhà. Việc thi công tạm dừng.

Trước phản ánh của ông Đặng Văn Chung, từ ngày 5 đến 15.1.2021, Ban quả lý dự án (QLDA) cùng với UBND xã Xuân Vân, đơn vị thi công đã tiến hành đo đếm chi tiết, đánh dấu điểm đầu điểm cuối các vết nứt và ra biên bản làm việc được các bên thống nhất cùng ký. Tổng cộng 134 vết nứt lớn nhỏ được ghi nhận.

Các vết nứt lớn nhỏ đã được các bên liên quan đo đạc, kiểm đếm và đánh dấu để tiếp tục theo dõi. Ảnh: Phong Quang

Sau hơn 3 tháng tạm dừng, ngày 8.4.2021, việc thi công tiến hành trở lại. Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau, ông Chung tiếp tục yêu cầu dừng khoan do nhà ông xuất hiện các vết nứt mới.

Việc thi công chỉ được tiếp tục trở lại từ ngày 1.6 đến nay khi đã có biên bản làm việc giữa các bên. Tuy nhiên, bản thân chủ nhà vẫn không hài lòng.

Ông Đặng Văn Chung cho biết, căn nhà 2 tầng của gia đình được xây dựng kiên cố từ năm 2007, ngoài một số vết nứt cổ trần do co ngót bê tông thì những vết nứt và rạn mới chỉ xuất hiện khi đơn vị thi công tiến hành khoan mố cọc.

Bằng mắt thường có thể quan sát thấy, các vết nứt, rạn khá dày đặc và xuất hiện chủ yếu trên tầng 2 của căn nhà.

Những vết rạn nứt chân chim xuất hiện ngày càng nhiều kể từ khi mố cầu Vông Vàm 2 được thi công. Ảnh: Phong Quang

Theo lời ông Chung, để đảm bảo yếu tố khách quan, ông đã đề nghị được mời đơn vị độc lập đến để đánh giá các vết nứt, hiện trạng căn nhà nhưng không được đồng ý.

Ông cũng yêu cầu đơn vị thi công phải bồi thường cho gia đình khoảng 250 triệu đồng.

Thể hiện bản thân không phải là người muốn gây khó dễ, ông Chung chia sẻ rằng, để phục vụ công tác thi công cầu, gia đình ông đã tự nguyện hiến hơn 10m2 đất và tự chặt cây sưa 10 năm tuổi...

Cần tích cực giải quyết vướng mắc

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lê Hồng Việt - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Xuân Vân - cho hay, chính quyền địa phương đã nhiều lần cùng các bên liên quan tìm hướng tháo gỡ nhưng đến nay sự việc chưa được giải quyết dứt điểm bởi các bên vẫn còn nhiều ý kiến không thể thống nhất.

Đơn vị thi công (công ty TNHH 27/7) khẳng định, chỉ làm đúng theo hồ sơ thiết kế thi công đã được phê duyệt.

Đồng thời đơn vị thi công cho rằng, những vết nứt xuất hiện trên tường nhà ông Chung là vết nứt cũ, không có căn cứ để khẳng định do việc khoan cọc gây ra.

Trong khi đó, Ban QLDA xây dựng các công trình giao tỉnh Tuyên Quang tiếp tục khẳng định đã làm hết trách nhiệm, việc ông Chung liên tục yêu cầu dừng thi công là không có tinh thần xây dựng đã gây khó khăn cho quá trình thi công.

Căn nhà 2 tầng của ông Đặng Văn Chung nằm ngay sát khu vực đang tiến hành thi công cầu dân sinh. Ảnh: Phong Quang

Theo tìm hiểu của PV, mới đây, trong văn bản số 309 của Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang gửi các bên liên quan có đề cập "Sau khi thi công hoàn thành cọc khoan nhồi mố M1, các bên liên quan kiểm tra lại các vết nứt, nếu thực sự nhà ông Chung bị nứt do khoan cọc gây ra, Ban QLDA sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thay cho đơn vị thi công".

Như vậy, vụ việc đến nay cơ bản đã được giải quyết một phần. Tuy nhiên, để tránh những vấn đề phát sinh, tranh chấp giữa chủ đầu tư, đơn vị thi công và người dân khi thực hiện các hạng mục tiếp theo của công trình, các bên liên quan cần tích cực giải quyết vướng mắc, đảm bảo hài hoà lợi ích của cá nhân và cộng đồng để công trình sớm hoàn thành.

Cũng theo chủ đầu tư, dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào đầu tháng 7.2021, nhưng do vướng mắc trên nên đến cuối năm 2021 mới có thể đưa vào sử dụng. Đây là cây cầu dân sinh có ý nghĩa rất lớn đối với hơn 500 hộ dân tại đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn