MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhóm học sinh dồn cô giáo vào góc tường, ném dép, xúc phạm cô. Ảnh cắt từ clip

Một nỗi đau...

Quỳnh Chi LDO | 10/12/2023 18:20

Hơn 5 thế kỷ trước, Tiến sĩ triều Lê - Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung - vâng mệnh vua Lê Thánh Tông soạn bài ký cho tấm bia Văn Miếu, tại Quốc Tử giám, viết: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia...".

Hơn 5 thế kỷ trước, tiền nhân viết "hiền" trước "tài". Đất nước mạnh giàu, nguyên khí hưng thịnh hay không nhờ bậc hiền tài. Mà "hiền" đứng trước "tài", là trọng đức hơn trọng tài.

Hậu thế tiếp nối truyền thống cha ông, dù đời sống biến hóa khôn lường, vẫn luôn luôn trọng đức. Hơn hết, những kẻ học hành lều chõng, càng trọng đức. Sự học nghiêm cẩn, "không thầy đố mày làm nên". Trong cái nghiêm cẩn của sự học, "hiền" được tôn vinh cùng với những đạo lý căn bản ở đời. Mà trong đó, đạo thầy - trò là một trong những nét văn hóa nổi trội.

Dẫu biết đời sống nhiều đổi thay, nhưng dù sự thay đổi có biến thiên đến nhường nào, thì đạo thầy - trò vẫn phải được giữ gìn. Giữ đạo thầy - trò, như giữ nếp sống, đạo đức, hành xử... cho con cháu, cho chính mỗi chúng ta.

Ai không đau lòng khi xem clip cô giáo bị chính các học trò của mình "quây" trong lớp - học - của - cô? Cô nép sát tường, đôi lúc chống đỡ; phía bên kia là hàng chục học sinh - cỡ tuổi con cháu cô - cười cợt, văng tục, có những hành vi ngỗ nghịch, hỗn hào... Chuyện không tưởng và không được phép xảy ra trong môi trường giáo dục, trong bất cứ lớp học nào khiến những người có lương tri cảm thấy xấu hổ! Cô giáo ngất xỉu, có lẽ không hẳn vì đau, mà vì sự căng thẳng, mệt mỏi kéo dài, và vì cô đã quá cô độc.

Ban giám hiệu nhà trường ở đâu, các đồng nghiệp của cô đã ở đâu trong suốt thời gian ấy? Tôi muốn tin là do học sinh đóng cửa, sự việc không được ai phát giác. Nhưng đây không phải là câu chuyện lần đầu diễn ra. Thậm chí cô giáo từng báo cáo với lãnh đạo nhà trường về việc này. Họ - những lãnh đạo trực tiếp của cô, những đồng nghiệp bên cạnh cô - đã làm gì để giúp cô?... Tất cả đã được nghe/được biết và đều thờ ơ? Đó không phải là chuyện của họ, đó là vấn đề của cô? Trong môi trường giáo dục, chính những người làm thầy, làm cô đã không tự trọng để cùng gìn giữ nề nếp cho học trò, cho đồng nghiệp, và cho chính mình...

Người ta đang đòi xem lại quá trình, xem cô giáo có lỗi không. Cô "có vấn đề thì học trò mới thế". Có lẽ chính vì suy nghĩ này nên bọn trẻ đáng tuổi con cô giáo mới nghênh ngang, giữa ban ngày, trong lớp học, hành xử với cô như đám côn đồ. Có thể cô giáo không hoàn toàn đúng, nhưng mọi giới hạn thầy - trò, mọi đạo lý thầy - trò đã bị đạp đổ bên bảng đen, phấn trắng. Đau lòng thay!

Trao đổi với báo chí, cô giáo nói "chạnh lòng", mất ngủ, sụt cân... và cô thực sự có cảm giác bị "bỏ rơi" sau sự việc. Sự cô đơn của cô đã diễn ra suốt thời gian dài: cô đơn đối diện với sự vô lễ của học trò; cô đơn đối diện với sự ghẻ lạnh của đồng nghiệp; cô đơn khi lời kêu cứu không được cấp trên xem xét thấu đáo... Còn gì buồn hơn khi giáo viên cô đơn trong chính lớp học/ngôi trường nơi mình hằng ngày công tác.

Rồi đây, sẽ có một hố sâu, một sự tổn thương vĩnh viễn trong cô giáo và trong chính những đứa trẻ hỗn hào kia. Sự việc sẽ được khép lại, theo một cách nào đó. Nhưng cô giáo và những học sinh sẽ đối diện nhau như thế nào; những đồng nghiệp trong trường sẽ đối diện nhau như thế nào...? Tất cả có thể vờ quên những phút giây phá bỏ mọi luân thường đạo lý, làm tổn thương nhau?

Có lẽ, thứ còn lại sau cùng, sẽ là một nỗi đau âm ỉ, trong những người có lương tri...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn