MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mô hình “Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân” của học sinh trường THPT Hoa Lư A, sau khi đạt giải Nhất vào năm 2019 thì "đắp chiếu" tại nhà kho của trường. Ảnh: Nguyễn Trường

Một sản phẩm nhận giải nhiều lần, có cần tổ chức đến 2 cuộc thi?

QUANG ĐẠI - DIỆU ANH LDO | 29/10/2021 15:49

Ninh Bình - Mô hình: "Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân" vừa đạt giải đặc biệt Cuộc‌ ‌thi‌ sáng tạo Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng ‌lần‌ ‌thứ‌ ‌XII‌ ‌(2020-2021)‌ cấp tỉnh. Mô hình này cũng đã được trao giải Nhất tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia học sinh trung học năm học 2020-2021 tỉnh Ninh Bình.

Hiện nay, tồn tại song song hai cuộc thi gồm: Cuộc‌ ‌thi‌ sáng tạo Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng và Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia học sinh trung học, được triển khai thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Mô hình: “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân” của nhóm tác giả Đinh Hoàng Nam, Nguyễn Trần Đạt, Trường THPT Hoa Lư A được trao giải đặc biệt. Ảnh: Nguyễn Trường

Mặc dù hai cuộc thi có thể lệ khác nhau, nhưng thực tế diễn ra trong nhiều năm qua, là gần như trùng lặp về đối tượng và đề tài dự thi. Hầu hết, nếu không nói là tất cả các đối tượng dự thi sáng tạo Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng đều là học sinh phổ thông, và các mô hình, dự án của học sinh được tham dự đồng thời hai cuộc thi. Rất nhiều đề tài đã được trao giải, tôn vinh 2 lần như trường hợp mô hình của 3 học sinh trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình).

Việc tổ chức một cuộc thi sáng tạo, khoa học kĩ thuật ở cấp quốc gia rất tốn kém về thời gian, tiền bạc, công sức. Nếu hai cuộc thi đã cơ bản trùng nhau về đối tượng dự thi và đề tài, thì tại sao không xem xét kết hợp, “tích hợp” hai cuộc thi làm một?

Mặt khác, dư luận vẫn hết sức băn khoăn và dị nghị về việc rất nhiều mô hình, sản phẩm, dự án của các em học sinh tham dự hai cuộc thi nói trên có chung đặc điểm là vượt quá tầm kiến thức, kĩ năng của học sinh, có hiện tượng trùng lặp, sao chép đề tài và không có khả năng ứng dụng thực tế.

Tại Cuộc thi sáng tạo Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng tỉnh Ninh Bình năm 2021, các sáng chế, mô hình đạt giải cao với những tên gọi mà chỉ nghe thôi đã khiến nhiều người phải kinh ngạc như: “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân”; “Nghiên cứu xác định nồng độ kim loại nặng Cd2+ trong nước bằng ion sensor trên cơ sở vật liệt polymer ghi nhớ ion ATP/PANi Silane và điện cực Au”; “Khảo sát hoạt tính kháng oxi hóa và ức chế rối loạn tăng tiết TNF-a/IFG-y của cao chiết cây ngải dại bằng clorofom trong điều trị bệnh viêm da cơ địa”...

Đó là các đề tài chuyên sâu, chuyên ngành dành cho các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các chuyên gia sáng chế, hoàn toàn vượt khỏi khả năng của học sinh và giáo viên phổ thông.

Vì sao học sinh phổ thông có thể làm được đề tài đó, có tiêu cực trong khâu thực hiện hay không đang là băn khoăn rất lớn từ các cuộc thi nói trên.

Đặc biệt, các đề tài dự thi hầu hết mang tính chất biểu diễn chứ không có khả năng ứng dụng thực tế hoặc sản xuất thành sản phẩm ra thị trường.

Đơn cử như mô hình: "Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân" vừa nhận giải đặc biệt.

Mô hình này từng gây xôn xao dư luận khi có nhiều tính năng trùng với mô hình “Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân” cũng của trường THPT Hoa Lư A, do cùng một giáo viên hướng dẫn, đã đạt giải trước đó. Kiểu mô hình này cũng đã quá phổ biến tại các cuộc thi ở các địa phương khác, và thực tế đã có sản phẩm trên thị trường.

Đến nay, cả hai mô hình trên dù được giải cao tại các cuộc thi cấp tỉnh, cấp quốc gia đều đang chung tình trạng “đắp chiếu”, không có khả năng ứng dụng.

"Đây chỉ là những ý tưởng để khơi dậy niềm đam mê sáng tạo của các em, còn để ứng dụng trong cuộc sống thì chưa thật sự có khả năng" - thầy Nguyễn Mạnh Tú, trường THPT Hoa Lư A là người hướng dẫn các em học sinh làm 2 dự án nói trên chia sẻ.

Tuy nhiên, điều đáng nói là ngay cả ý tưởng các dự án nói trên có phải xuất phát từ học sinh hay không, và công sức các em tham gia vào các dự án là bao nhiêu phần trăm, đến nay vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, các cuộc thi KHKT học sinh và Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng qua nhiều năm triển khai cho thấy nhiều bất cập, có nhiều hiện tượng không thực chất, đề nghị cơ quan chức năng xem xét bãi bỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn