MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Một số ý kiến đối với Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi)

ThS luật Phạm Văn Chung - Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum LDO | 04/11/2021 15:57
Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến loại tài sản đặc biệt - tài sản trí tuệ. 

Theo ThS luật Phạm Văn Chung - Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum, qua hơn 16 năm thi hành, Luật này bộc lộ một số hạn chế, bất cập nên việc sửa đổi, bổ sung là cần thiết.

"Để hoàn thiện dự án Luật khá quan trọng này, tôi xin có một số ý kiến tham gia như sau:

Thứ nhất, Nhà nước phải có chính sách đối hoạt động đổi mới sáng tạo, khai thác tài sản trí tuệ.

Tại Điểm a Khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật quy định: "2. Khuyến khích, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, khai thác tài sản trí tuệ thông qua các hỗ trợ về tài chính, ưu đãi về thuế, tín dụng và đầu tư khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân".

Theo tôi cơ quan soạn thảo nên bổ sung cụm từ: "Nhà nước có chính sách" sau cụm từ "khuyến khích, thúc đẩy...".

Bởi cần phải quy định cụ thể Nhà nước phải có cơ chế, chính sách thì mới cụ thể hóa, đảm bảo việc triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo, khai thác tài sản trí tuệ đạt hiệu quả thiết thực.

Thứ hai, về điều kiện chung của nhãn hiệu được bảo hộ. Khoản 31 Điều 1 dự thảo Luật thì quy định một trong những điều kiện của nhãn hiệu được bảo hộ.

Theo cơ quan soạn thảo lý do sửa đổi, bổ sung là nhằm bảo hộ nhãn hiệu âm thanh để thi hành nghĩa vụ tại Điều 18.18 Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) về loại dấu hiệu có thể đăng ký làm nhãn hiệu.

Tuy nhiên, chỉ giới hạn bảo hộ dấu hiệu âm thanh thể hiện dưới dạng “đồ họa” là phạm vi khá hẹp và chưa thực sự phù hợp với cam kết tại Hiệp định CTPPP.

Nói cách khác, hình thức của dấu hiệu âm thanh được bảo hộ có thể là “bản mô tả hoặc bản thể hiện dưới dạng đồ họa, hoặc cả hai nếu phù hợp”.

Như vậy, để phù hợp với cam kết tại Điều 18.18 Hiệp định CTPPP, đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh lý lại quy định nêu trên theo hướng: “Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc; hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa hoặc bản mô tả hoặc cả hai”.

Thứ ba, trường hợp văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực. Khoản 43 Điều 1 dự án Luật quy định: “Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực trong các trường hợp sau đây: a) Người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu”.

Tuy nhiên, theo tôi, khái niệm “dụng ý xấu” là chưa rõ ràng, cụ thể. Việc quy định như vậy có thể khiến cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến văn bằng bảo hộ sẽ gặp nhiều khó khăn khi chứng minh căn cứ cho yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ. Vì vậy đề nghị quy định theo hướng định lượng cụ thể, dễ xác định và chi tiết hơn đối với khái niệm này.

Thứ tư, về kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi đăng ký ra nước ngoài.

Tại Khoản 39 Điều 1 dự thảo Luật bổ sung Điều 89a quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi đăng ký ra nước ngoài.

Như vậy, quy định này dẫn đến cách hiểu, cá nhân, tổ chức chỉ được nộp đơn đăng ký “sáng chế thuộc các lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến an ninh, quốc phòng” ở nước ngoài nếu đã được nộp đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo sáng chế trong đơn đăng ký sáng chế không phải là sáng chế mật và đã kết thúc thời hạn 6 tháng kể từ ngày nộp đơn đó.

Trường hợp trong vòng 6 tháng kể từ ngày nộp đơn, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo sáng chế trong đơn đăng ký sáng chế là sáng chế mật, tổ chức, cá nhân chỉ được nộp đơn đăng ký sáng chế đó ở nước ngoài theo quy định của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo quy định trên những sáng chế thuộc các lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến an ninh, quốc phòng khi nộp đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam thì phải chờ trong vòng 6 tháng để biết được sáng chế đó có phải là sáng chế mật hay không.

Nếu không phải là sáng chế mật thì mới được nộp đơn đăng ký sáng chế ở nước ngoài. Nếu là sáng chế mật thì vẫn có thể được nộp đơn đăng ký sáng chế ở nước ngoài theo trường hợp được Chính phủ quy định.

Nói cách khác, sáng chế mật thì vẫn có trường hợp ngoại lệ được nộp đơn đăng ký sáng chế ở nước ngoài. Tuy nhiên, trường hợp ngoại lệ là trường hợp nào? thủ tục như thế nào?... Những vấn đề này dự thảo Luật chưa quy định rõ.

Đây là quy định mới so với Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, có tác động trực tiếp đến các tổ chức, cá nhân có sáng chế. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ những vấn đề trên để các đối tượng chịu tác động có thể hình dung được định hướng mới dự kiến sửa đổi, bổ sung".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn