MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một chung cư tại Hà Nội phải dùng bao cát để gia cố cửa kính. Ảnh: Vân Trường

Mưa bão có phải là phép thử cho chất lượng chung cư?

Minh Hạnh LDO | 14/09/2024 11:39

Cơn bão số 3 tàn phá một số tỉnh miền Bắc vừa qua gây mưa to, gió lớn khiến nhiều nhà chung cư bị bục trần, nước tràn vào nhà...

Ngày 6 và 7.9 vừa qua, sau khi bão số 3 (bão Yagi) quét qua Hà Nội, trên các diễn đàn mạng xã hội, nhất là các diễn đàn về bất động sản đã có nhiều bàn tán, tranh luận về vấn đề chất lượng của nhà chung cư.

Một số người sống tại chung cư @Home (số 987 Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội), cho biết mưa to nước qua khe cửa sổ hoặc từ ban công tràn vào nhà khiến người dân và nhân viên Ban quản lý tòa nhà phải thay phiên nhau túc trực để lau sàn, ngăn nước chảy vào thang máy.

Tầng 1 của một toà chung cư ở quận Nam Từ Liêm bị sập trần do bão số 3. Ảnh: Đạt Đỗ

Cùng đó, anh Đỗ Đức Hùng (đang ở tại một chung cư tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) cho biết mưa to, gió lớn nước tràn vào nhà, anh phải dùng khăn, quần áo cũ để thấm nước chảy qua khe cửa sổ kính.

Trong khi một số chung cư bộc lộ rõ nhiều thiệt hại sau bão thì nhiều chung cư chất lượng tốt đã giúp cư dân an toàn vượt qua cơn bão. Anh Nguyễn Thế Đại - trú tại chung cư 5A Khu đô thị Văn Khê cho biết, mặc dù bão to, sức tàn phá lớn nhưng các căn hộ tại khu chung cư anh ở đều không có hiện tượng hư hỏng, vỡ cửa kính. Điều này cho thấy ngoài chất lượng xây dựng, cơ sở vật chất thì sự chuyên nghiệp của Ban quản lý chung cư rất quan trọng, giúp cư dân yên tâm chống bão.

Theo đại diện Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), nguyên nhân khách quan của hiện tượng trên đến từ cường độ cơn bão. Bởi Yagi có cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm qua tại Việt Nam. Đây cũng là cơn bão hiếm hoi đổ bộ trực diện Hà Nội nên không tránh khỏi tác động đến các công trình xây dựng.

Giám đốc kinh doanh và truyền thông dự án Hoian Dor - bà Hoa Dung cho rằng, một số tòa chung cư mới hoạt động 4-6 năm cũng bị gió bão giật đổ cả mảng kính, sập trần nhà, hỏng lan can cho thấy chất lượng thi công hoặc trang thiết bị, vật liệu "có vấn đề".

Cũng theo bà Dung, việc thi công không đảm bảo quy trình, làm việc thiếu trách nhiệm ở một số dự án thuộc về trách nhiệm của nhà thầu. Còn chất lượng đầu vào của trang thiết bị, vật liệu thuộc về phía chủ đầu tư khi bàn giao cho cư dân.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lê Văn Thịnh – nguyên Trưởng phòng Giám định 1 (Bộ Xây dựng) cho rằng, để đánh giá chất lượng của tòa chung cư, có nhiều mặt như chất lượng xây dựng, chất lượng vận hành khai thác… Về chất lượng công trình thì các công trình cao tầng mới xây vừa qua không bị nghiêng, không lún... thì có thể khẳng định chất lượng nền móng tốt.

Cũng theo ông Thịnh, cơn bão số 3 vừa qua mưa không to nên không bị ngập hầm chung cư, tuy nhiên gió to đã khiến một số tòa nhà bị bung kính, trần thạch cao và nước theo đó tràn vào nhà. Điều này khẳng định kết cấu bao che (tường, vách kính và cửa sổ) có vấn đề.

Hiện chúng ta chưa coi trọng kết cấu bao che và thường là giao cho kiến trúc sư, do đó kết cấu bao che chưa liên kết chặt với kết cấu chịu lực. Trong khi kết cấu bao che rất quan trọng vì vừa chịu tải trọng gió và truyền tải trọng gió sang hệ thống kết cấu chịu lực. “Cơ quan thẩm định thiết kế cần coi trọng kết cấu bao rất quan trọng, phải tính toán đến cửa sổ, cửa đi về mặt chịu lực không được coi là thiết kế phụ”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn