MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng bình ổn giá trong siêu thị vẫn có nguồn cung ổn định cung cấp cho người dân tại TPHCM. Ảnh: Vũ Chân.

Mua hàng bình ổn bán lại giá cao là hành vi gian thương cần xử lý

Thế Lâm LDO | 15/07/2021 15:12

Vì tâm lý lo lắng chưa tích trữ đủ nhu yếu phẩm trong những ngày giãn cách, nhiều người dân TPHCM đã đổ xô đến các siêu thị, cửa hàng, chợ để mua hàng. Lợi dụng tình hình này, một số người đã mua hàng hóa bình ổn giá từ siêu thị mang ra ngoài bán trục lợi.

Nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm, đặc biệt là rau củ quả, giá bán trong các hệ thống siêu thị lớn như Big C, Co.opMart, Bách Hóa Xanh… thấp hơn khá nhiều so với tại các chợ. Một phần vì các hệ thống siêu thị lớn có nguồn cung ổn định, đội vận chuyển hàng hóa chủ động hơn và chính sách về giá cũng nhất quán hơn.

Mặt khác, như hệ thống Co.opMart, nhiều năm trở lại đây được lãnh đạo thành phố giao nhiệm vụ bình ổn giá trên thị trường, đặc biệt là trong các thời điểm thị trường gặp khó khăn về nguồn cung hay trong những cơn sốt vì tin đồn thất thiệt, vào các đợt giãn cách xã hội người dân đổ xô đi mua nhu yếu phẩm tích trữ.

Mua hàng bình ổn mang ra ngoài bán kiếm lời, hành vi thường cũng chỉ xuất hiện trong các thời điểm nêu trên. Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, một số mặt hàng bị mua gom với số lượng lớn mang ra ngoài bán ăn chênh lệch.

Những lúc như thế này, khay kệ hàng trong siêu thị thường trống hoác vì sức mua mạnh tại một thời điểm trong khi nhân viên siêu thị chưa kịp bổ sung hàng lên kệ, chứ không hẳn là hàng hóa, nhu yếu phẩm khan hiếm.

Nhưng cho dù thế, hành vi mua gom số lượng lớn vượt mức nhu cầu tiêu dùng của một người, một gia đình trong từ 15-30 ngày tại thời điểm hiện nay là không thể chấp nhận được, cho dù là mua để ăn, mua giùm hay mua để tặng biếu.

Bởi lúc này, tinh thần sẻ chia, ý thức trách nhiệm góp phần giúp cho thị trường bình ổn chính bằng hành vi tiêu dùng của mỗi người dân là điều cần được đề cao trong cách hành xử. Mỗi người chỉ nên mua lượng hàng vừa đủ dùng cho một khoảng thời gian cần thiết, để cho người khác còn có thể mua được tránh tình trạng mất thời gian đi đến được siêu thị lại không mua được thứ cần mua.

Đối với hành vi mua các mặt hàng thiết yếu mang ra ngoài bán ăn chênh lệch tại thời điểm hiện nay thì càng không thể chấp nhận. Bởi đó là một hành vi gian thương, vô đạo đức, kiếm lợi trong lúc cả xã hội gặp khó khăn và còn góp phần gây bị động, bất ổn cục bộ đối với việc cung hàng hóa tại một thời điểm.

Các siêu thị có lẽ nên áp dụng chính sách không cho phép mua thu gom hàng số lượng lớn. Chế tài này từng được áp dụng tại rất nhiều thời điểm những năm về trước, như định mức khẩu trang mỗi người được mua trong khoảng thời gian từ tháng 2-4.2020, định mức gạo mỗi người được mua tại thời điểm rộ lên cơn sốt gạo ảo ở TPHCM…

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần điều tra bắt tận tay các đối tượng có hành vi gian thương mua hàng bình ổn trong siêu thị mang ra ngoài bán lại giá cao để xử lý thích đáng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn