MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mua một cốc cà phê 40.000 đồng ngồi cả ngày có gọi là thiếu ý thức?

HỒNG ĐIỆP LDO | 15/04/2023 15:17

Xu hướng làm việc, học tập tại quán cà phê ngày càng phổ biến. Có chủ quán cho rằng việc khách hàng ngồi cả ngày chỉ gọi một cốc nước góp phần làm hình ảnh đông khách nhưng cũng có chủ quán bày tỏ việc này sẽ khiến doanh thu của quán bị chững lại hoặc sụt giảm. 

Có một lượng khách ổn định

Quán nước Koei Tea (thành phố Móng Cái, Quảng Ninh) của chị Chu Trang (24 tuổi) đã  hoạt động được hơn 6 năm và có một lượng khách cố định.

Theo chị Trang, mỗi ngày doanh thu của quán phải đạt từ 6 triệu đồng trở lên thì mới có thể chi trả đủ các chi phí như: Lương nhân viên, tiền thuê mặt bằng, tiền điện, nước, nguyên liệu…

Chị Trang cho biết: “Khách hàng là thượng đế, chắc chắn khách phải thích quán thì mới đến thường xuyên như vậy. Chuyện khách gọi một cốc nước khi ngồi quán tôi là bình thường". 

Hình ảnh quán đông khách sẽ gây ấn tượng tốt cho khách hàng khác. Ảnh: Hồng Điệp.

Ngoài ra, chị Trang cho rằng khi quán có nhiều khách hàng đến sử dụng dịch vụ, hình ảnh đông đúc sẽ gây ấn tượng tốt cho các khách hàng khác.

"Phải có đồ uống ngon, giá cả hợp lý, không gian đẹp... thì mới hút khách đến đông như vậy. Việc khách ngồi tại quán sẽ giúp làm hình ảnh tốt cho cửa hàng" - chị Trang bày tỏ.

Với phong cách của một quán cà phê sách, chị Lê Điệp (41 tuổi) - chủ quán cà phê sách Ubook Gamuda (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay với việc khách ngồi cả ngày chỉ gọi 1 cốc nước là chuyện phổ biến hiện nay. 

Theo chị Điệp, đặc biệt với những quán cà phê mới mở, cần lượng khách hàng quen thì việc đầu tiên là phải có khách hàng, chưa cần quá đông đúc.

"Chỉ cần khách biết đến quán tôi và ghé lại, tôi sẽ ưu tiên chiều khách trước, miễn là họ không gây ảnh hưởng đến những khách hàng khác là được" - vị chủ quán cho hay.

Chị Điệp kinh doanh quán cà phê từ năm 2020, xuất phát ban đầu do sở thích cá nhân. Khi đến quán cà phê này, khách hàng không chỉ sử dụng dịch vụ gọi đồ uống, mà còn có thể mua sách, dạo chơi trong không gian quán.

Không dưới 1 lần, nữ chủ quán chủ động trò chuyện với khách. Qua đó, chị nắm được ý kiến của họ để cải thiện tình trạng dịch vụ quán như: Đồ uống, không gian hay thái độ nhân viên...

Chị Điệp cho rằng: “Khách đến quán không chỉ mang lại doanh thu mà còn mang đến những giá trị khác. Khách mà ngồi lâu tức là họ thích không gian quán mình, nếu họ không hài lòng thì chắc chắn không có quay lại lần hai".

Doanh thu có thể chững lại

Bên cạnh những điểm tích cực thì yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu cũng là vấn đề rất được các chủ quán quan tâm. 

Chị Điệp tâm sự, mở một quán cà phê cần khá nhiều chi phí, nhất là tiền thuê mặt bằng. Khi lợi nhuận không đủ để trang trải các chi phí khác, chị Điệp cũng bày tỏ lo lắng nếu khách hàng nào cũng chỉ gọi 1 đồ uống và ngồi quán cả ngày. 

“Chủ quán phải tính ra mỗi ngày cần bán bao nhiêu cốc nước để có thể thu về đủ các chi phí bỏ ra chưa tính lợi nhuận. Nếu mỗi khách chỉ gọi một cốc nước rồi ngồi cả ngày cũng khiến chủ quán xót ruột. Đấy là trong trường hợp diện tích quán bé, ít chỗ ngồi" - nữ chủ quán cho hay. 

Chị Thu Lan (26 tuổi), quản lý một quán cà phê tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết chuyện khách hàng gọi một cốc nước giá 40.000 và ngồi cả ngày là chuyện không hiếm gặp.

Xu hướng học tập, làm việc ở các quán cà phê ngày càng phổ biến. Ảnh: Hồng Điệp.

Tuy nhiên, quán cà phê của chị mới mở chưa được bao lâu, chỉ là  một chi nhánh nhỏ của cả một chuỗi. Do đó, chị Lan càng lo lắng khi lượng khách hàng mới không có trong khi khách hàng cũ chỉ sử dụng ít ỏi dịch vụ của quán.

"Trên cương vị quản lý, tôi cũng rất lo lắng tình hình doanh thu của cửa hàng. Khách hàng chủ yếu là các bạn sinh viên, hầu như đều mang theo cái laptop để làm việc. Việc này sẽ khiến cho doanh thu của quán bị chững lại, không ổn định" - chị Lan bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn