MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hươu được thuần dưỡng từ hàng trăm năm nay tại huyện biên giới Hương Sơn (Hà Tĩnh). Ảnh: Đậu Bình

Mùa xuân, hái lộc nhung trên đất biên viễn Hà Tĩnh

LÊ VĂN VỴ LDO | 22/01/2023 09:32

Khi trời đất nồng ấm, cây cối đâm chồi, nẩy lộc là lúc ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) rộ lên mùa thu hoạch nhung hươu. Nhân dân thường gọi đây là mùa lộc. Có phải hươu là động vật ăn lá ăn lộc hay vì mùa nhung là mùa mùa cây đâm chồi nảy lộc nên người ta gọi nhung hươu là lộc hươu?

Lộc trời ban

Ông Lê Thường (70 tuổi, trú xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) khẳng định: “Trên đầu hươu hai cành nhung non tơ phơn phớt màu hồng khác chi lộc xuân!”. Cụ Hoàng (xã Sơn Giang, Hương Sơn) chủ nuôi hươu lâu đời ngẫm nghĩ mà rằng: “Lộc hươu không chỉ là trời ban cho nhân dân vùng núi Hương Sơn mà còn là của hươu trả ơn chủ nuôi sau một năm vất vả”.

Cặp nhung hươu 75 ngày tuổi tại trang trại chăn nuôi hươu xã Sơn Lâm (Hương Sơn - Hà Tĩnh). Ảnh: Quang Đại

Hươu đực hai năm tuổi mới cho nhung. Khoảng tháng 12 hươu đực rụng đế. Đó là thời điểm con hươu đổ hết lông xù, khoác lên mình đầy sao. Bộ lông bỗng mượt mà. Như cây dồn nhựa, tách vỏ, nẩy mầm, sức xuân cường tráng, khiến hươu xé đế đội mầm non. Chủ nuôi hươu dễ dàng nhận ra dấu hiệu là lúc hươu đực ngứa sừng thường cọ vào gióng chuồng. Cũng có con đế chắc phải cần sự can thiệp của chủ nuôi. Mươi ngày đầu, nhung lên chậm, nhưng từ ngày 20 trở về sau, nhung lên vùn vụt.

Lộc nhung có 65 ngày tuổi thì phân nhánh yên ngựa, hay gác sào là đến thời gian chủ nuôi thu hoạch. Nhưng ngày xưa, nhung hươu chưa trở thành hàng hóa. Những gia đình giàu có nuôi làm cảnh, làm quà, hoặc gia dụng. Cũng có khi chủ nuôi bán cho các hiệu thuốc. Được biết trước đây cả huyện Hương Sơn chỉ có dăm chục gia đình nuôi hươu. Nhưng hiện nay, nông dân lao động Hương Sơn đã lựa chọn con hươu phát triển kinh tế.

Con hươu đực cho cặp nhung rất đẹp. Ảnh: Quang Đại

Do vậy, tại Hương Sơn, trong thời gian ngắn, tổng đàn hươu đã lên đến 40.000 con (trong đó khoảng 25.000 con đực cho nhung). Một cân nhung ở thời điểm hiện tại có giá 13 triệu đồng. Nếu nuôi 10 con hươu nhung sẽ có thu nhập trên trăm triệu. Có thời điểm trang trại của Hương Luật có đàn hươu 100 con.

Trước đây, chăn nuôi hươu phải vất vả vào rừng đốn lá, nhưng bây giờ nông dân Hương Sơn đã chuyển đổi những thửa ruộng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ. Diện tích đất trồng lúa, trồng màu kém hiệu quả, nông dân đã chuyển đổi trồng cỏ chăn nuôi gia súc.

Không chỉ dọc các tuyến đường liên thôn, liên xã mà ngay cả hai bên đường quốc lộ 8A, nhân dân đã trồng cỏ voi, cỏ VA6, cỏ sả lá lớn Ghine, cỏ họ ngô Super BMR để chăn nuôi hươu. Đặc biệt, nhân dân Sơn Lễ và các xã lân cận đã trồng cỏ nguyên liệu bán cho Công ty nuôi bò sữa Vinamilk với mỗi tấn có giá từ chín trăm ngàn đồng đến một triệu hai. Cân cỏ đếm tiền đã làm thay đổi số phận của người nông dân biết suy nghĩ trên thửa ruộng của mình.

Làm giàu từ lộc nhung hươu

Từ nhung hươu, người dân đã tạo ra nhiều sản phẩm bồi bổ sức khỏe. Ảnh: Quang Đại

Đặc biệt là, từ nhung hươu, người lao động đã biết làm hàng hóa. Nhiều sản phẩm chế biến từ nhung hươu như nhung tươi cắt lát, nhung tán bột sấy khô, rượu nhung hươu của doanh nghiệp Hương Luật đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao.

Tại Hương Sơn, nhiều doanh nghiệp đã chăn nuôi kết hợp với phát triển dịch vụ xung quanh hươu và đầu tư máy móc, thiết bị hàng trăm triệu đồng, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục ngàn người lao động có thu nhập ổn định. Nhất là trong dịp Tết, các doanh nghiệp tranh thủ thời gian sản xuất sản phẩm nhung hươu, nhung bột khô để phục vụ nhu cầu của các “Thượng đế”.

Các sản phẩm từ nhung hươu đã lên tàu, lên xe, lên máy bay, có mặt trong các hội chợ, trong các bữa tiệc sang trọng, đặc biệt trong dịp Tết, bên mâm cơm đoàn tụ chiều ba mươi, nâng ly rượu nhung chúc nhau sức khỏe hạnh phúc, cảm thấy sức Xuân tràn trề.
Rượu nhung hươu Hương Sơn - quà quý ngày Xuân. Ảnh: Quang Đại
“Thượng đế” mua lộc hươu để làm gì? Để biếu xén, tặng quà vì đó là đặc sản là “lộc” may mắn cho cả năm. Nhưng chủ yếu mua nhung để bổ dưỡng sức khỏe. Theo các tài liệu đông y và kinh nghiệm thực tế cho thấy, nhung hươu sinh tinh, bổ huyết có thể chữa được bệnh thiểu năng sinh dục, hoạt tinh, hoa mắt chóng mặt (cho nam giới), khí hư, rong kinh (cho nữ giới). Nhung cường dương, tráng khí.

Nhân dân lưu truyền rằng: Cụ Lài 80 tuổi dùng nhung, lấy vợ trẻ có thêm 2 “hoàng tử”. Những người tinh huyết khô kiêt, đau lưng, mỏi gối, kém ăn, ngủ, liệt dương dùng nhung rất tốt. Da nhung hươu, đế hươu tán bột chưa lỵ, đường ruột...

Nhưng dùng nhung phải đúng bài. Nhung tươi ngâm rượu không mấy giá trị. Nhung tốt nhất là đủ 65 ngày tuổi, sấy khô bằng cát nóng, sấy lò than hay lò điện. Mỗi cặp nhung phải sấy mất 3 ngày 3 đêm.

Sau khi sấy, cạo lông tơ, cắt mỏng, xay nhỏ. Xong cho vào mật ong dùng dần hoặc mỗi sáng một thìa cà phê bột nhung cho vào cháo ăn nóng… Trước đây, nhung hươu là đặc sản tiến vua. Nhưng giờ đây, nhung hươu là lựa chọn bồi dưỡng sức khỏe của người lao động.

Vì vậy, ra Xuân, rộ mùa thu hoạch nhung, khách hàng từ khắp nơi về Hương Sơn vừa du Xuân, vừa đến Khu di tích Lịch sử - Sinh thái Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác – bậc đại danh y của dân tộc, để cầu sức khỏe, vừa trực tiếp đến chủ nuôi hươu “hái lộc” đầu Xuân quả là không còn gì thú vị bằng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn