MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mức trợ giúp xã hội 360.000 đồng/tháng là rất thấp

HẠNH AN LDO | 01/03/2024 17:15

Hiện nay, mức trợ giúp xã hội rất thấp, chỉ 360.000 đồng/tháng, theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Tại Hội nghị giao ban công tác sau Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác của bộ trong những tháng đầu năm 2024, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp khắc phục trong những tháng tiếp theo của năm nay.

Với phương châm "đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển", bộ trưởng yêu cầu các đơn vị rà soát lại nhiệm vụ cụ thể, triển khai các đầu việc bám sát 6 quan điểm trọng tâm, 15 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 52 nhiệm vụ cụ thể đã được đặt ra trong năm 2024.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lưu ý, khẩn trương sửa Nghị định 20 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội. Bởi hiện nay, mức trợ giúp xã hội rất thấp, chỉ 360.000 đồng/tháng thì sống sao?

Ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, việc phát triển hệ thống an sinh bao trùm và bền vững, toàn diện, đa dạng và nâng cao khả năng tiếp cận chính sách của các nhóm đối tượng yếu thế theo tinh thần Nghị quyết 42.

Ông Đức Minh (SN 1964, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) không được hưởng chế độ lương hưu và không đủ điều kiện để nhận các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng khác. Ông cho rằng, trợ cấp hưu trí sẽ là một niềm an ủi rất lớn đối với người cao tuổi như ông - những người đang tiếp cận độ tuổi “gần đất xa trời”.

Ông Minh bày tỏ mong muốn rằng, độ tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội có thể được giảm xuống 70 tuổi. Bởi theo ông Minh, không phải ai cũng có đủ sức khỏe để sống đến 80 tuổi và nhận trợ cấp hưu trí theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.

Đặc biệt, ông Minh cũng mong mỏi được nâng mức trợ cấp xã hội lên ít nhất là 500.000 đồng/tháng. "Không được nâng mức trợ cấp xã hội, người già càng bơ vơ" - ông Minh nói.

Ông Minh chỉ là 1 trong nhiều đối tượng bảo trợ xã hội được nhận trợ cấp xã hội được quy định tại Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định các đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khoá XIII - đồng tình với đề xuất nâng mức trợ giúp xã hội đối với những người không có lương hưu khi về già.

Bà An cho rằng, Bộ Lao động - Thương binh Xã hội cần rà soát và đánh giá, báo cáo với Chính phủ, Quốc hội về số lượng người cần hưởng trợ cấp; từ đó đưa ra phương hướng, chính sách giải quyết. Vấn đề cốt lõi là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đảm bảo an sinh của những người lao động lớn tuổi và lấy họ làm trung tâm để sửa đổi, bổ sung các chính sách.

Trước đó, ông Tô Đức - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - thông tin: Hiện cả nước có khoảng 3,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng và khoảng 400.000 đối tượng thuộc nhóm chăm sóc người tâm thần nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, không tự phục vụ.

Như vậy, tính chung có khoảng 3,7 triệu người đang hưởng trợ cấp hàng tháng, với mức chi khoảng 28.000 tỉ đồng/năm, bao gồm trợ cấp, hỗ trợ chăm sóc, bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, các chính sách mới hỗ trợ được một phần nhu cầu thiết yếu tối thiểu của những đối tượng như cơm ăn, áo mặc, điện nước sinh hoạt, đảm bảo cuộc sống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn