MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bạn Trần Thị Hè đánh giá thế hệ Gen Z rất năng động, nhạy bén. Ảnh NVCC

Muốn hái "quả ngọt" trong công việc, Gen Z cần khắc phục nhược điểm gì?

ANH THƯ LDO | 08/08/2022 17:07
Theo một công bố mới đây, tới năm 2025, Gen Z dự kiến sẽ đóng góp vào 1/3 lực lượng trong độ tuổi lao động tại Việt Nam và sẽ có ảnh hưởng lớn tới thị trường lao động trong nước.

Sự nhanh nhạy của Gen Z

Bạn Trần Thị Hè (SN 2022, quê ở Yên Mỹ, Hưng Yên) đã ấp ủ nhiều kế hoạch, dự định phát triển bản thân trong tương lai.

Dù đang là sinh viên năm 2, song Trần Hè đã có vài năm bén duyên với việc xây dựng, phát triển nội dung trên kênh Tik Tok của riêng mình.

Đến nay, kênh Tik Tok mang tên tranthihe17 của chị đã có hơn 167 nghìn lượt theo dõi. Lượng khách hàng tìm đến, lựa chọn quảng cáo trên kênh cũng không thể đếm xuể.

Trần Hè chia sẻ: “Vào tháng 7.2021, dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp; bên cạnh việc học trực tuyến, tôi chỉ quẩn quanh trong nhà. Để cuộc sống của mình bận rộn, thú vị hơn, tôi bèn nghĩ sao mình không tự xây dựng một kênh Tik Tok cho bản thân”.

Vốn là người đam mê thời trang, Gen Z đã vận dụng sở thích này để xây dựng nội dung về việc đánh giá, đưa ra những trải nghiệm về ăn mặc, quần áo.

Trần Hè cho biết: “Thu nhập của tôi tuỳ thuộc vào lượt xem video nên số tiền thu về sẽ không có sự đồng đều. Ví dụ, dịp Tết có lượt xem khá cao, tôi thu nhập khoảng 30-50 triệu đồng/tháng; trung bình theo năm thì mỗi tháng tôi thu 10-20 triệu đồng”.

Với một sinh viên năm 2, đây là nguồn thu nhập “mơ ước” của nhiều người đang đi làm. Nhờ đó, cô gái này tự chủ về tài chính, không cần nguồn trợ cấp của bố mẹ. Khi có lợi nhuận về, Trần Hè tiếp tục đầu tư thiết bị, máy móc quay dựng và trang phục quần áo để tiếp tục sản xuất những video hấp dẫn hơn.

Kênh Tik Tok của Trần Hè thu hút nhiều lượt theo dõi. Ảnh chụp màn hình

Theo cô gái này, gen Z có điểm nổi bật là "làm ra làm và chơi ra chơi". Khi bắt tay vào công việc, những người trẻ sẽ vận dụng 200% năng suất, làm việc trong thời gian ngắn.

“Ngoài giờ làm việc, chúng tôi cũng biết giải trí, hưởng thụ để cân bằng lại cuộc sống của mình” - Trần Hè cho biết thêm.

Lực lượng sẽ mang lại những đột phá

Bà Phạm Thị Hoài Linh - Giám đốc nhân sự Navigos Group (đơn vị sở hữu kênh tuyển dụng lớn tại Việt Nam) - cho rằng, cuộc cách mạng 4.0 đã làm thay đổi rất nhiều về môi trường làm việc. Các bạn gen Z là thế hệ có lợi thế rất lớn trong việc này.

"Thế hệ này đang tham gia vào lực lượng lao động, vài năm gần đây sẽ là lực lượng chính mang lại những đột phá về kinh tế" - bà Linh chia sẻ.

Với quan điểm của Giám đốc nhân sự Navigos Group, các doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi để bắt kịp xu hướng. Những khuôn mẫu có sẵn cũng cần phải điều chỉnh để thích nghi, các đơn vị không thể giữ mãi cái cũ và bắt thế hệ đi sau phải thích ứng theo.

Ở đây, cả hai bên là doanh nghiệp và người lao động cần phải điều chỉnh để làm việc với nhau tốt hơn.

Bà Linh cho rằng: “Các bạn Gen Z rất sáng tạo, nhanh nhẹn, có nhiều kỹ năng công nghệ và rất tự tin trong việc đảm nhiệm những dự án mới, vai trò mới. Nếu được định hướng tốt, các bạn rất có tiềm năng trong việc phát triển".

Song, Gen Z cần thể hiện tính kỷ luật và sắp xếp thời gian, kế hoạch tốt hơn. Ngoài ra, cũng cần quan sát, lắng nghe để có nhiều cơ hội phát triển tốt trong môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Đưa ra lời khuyên cho những bạn thế hệ Z trước khi bước chân vào thị trường lao động, bà Hoài Linh cho biết, để xác định bước đầu tiên trong sự nghiệp, các bạn cần phải hiểu mình là ai, mình có gì, thiếu gì, mình muốn gì, đam mê gì, cần gì? Có như vậy, gen Z mới có thể biết đúng, biết sai, biết tiến, biết lùi khi cần thiết.

Bà Hoài Linh cho hay, với mỗi công việc, hãy thực sự thể hiện được sự đam mê học hỏi, mong muốn được tìm tòi và sẵn sàng dấn thân. Với tư duy này, chắc chắn các bạn sẽ có cơ hội để phát triển, ngay cả khi chưa có đủ kinh nghiệm. Tư duy luôn là điều các nhà tuyển dụng tìm kiếm để tìm ra nhân tài thực sự phù hợp cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Gen Z (người được sinh từ những năm cuối thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21) là thế hệ đầu tiên có cơ hội tiếp xúc với công nghệ ngay từ nhỏ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn