MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thi tuyển công chức ở Cục Thuế Hà Nội đã thu hút một lượng lớn thi sinh

Muốn tồn tại, phải… tinh giảm biên chế

Luật sư Nguyễn Danh Huế LDO | 17/03/2016 20:49
2015 là một năm đầy khó khăn với thực hiện thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) nhưng kết thúc năm tổng  thu vẫn đạt 957 nghìn tỉ đồng, vượt dự toán khoảng 60 nghìn tỉ đồng trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Năm 2016 dự báo thu NSNN còn khó khăn hơn rất nhiều.

Các giải pháp được đưa ra để đảm bảo nguồn thu cho NSNN vẫn tập trung chủ yếu vào việc "tăng thu". Câu phát biểu "...đất nước lúc này không tăng thuế được nữa đâu"  trong  phiên họp ủy ban thường vụ Quốc Hội ngày 8.3 mới đây của chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã phần nào nói lên thực trạng thuế phí đang ở mức rất cao của nước ta hiện nay.

Nếu ở Việt Nam một chiếc xe ô tô được bán với giá 1 tỉ đồng thì cũng chiếc xe đó ở Mỹ chỉ có giá tương đương khoảng 300 triệu VND, còn ở Thái Lan cũng chỉ có giá chỉ tương đương khoảng 500 triệu VND đồng, trong khi thu nhập bình quân đầu người ở Mỹ cao gấp 25 lần của Việt Nam, còn ở Thái Lan thu nhập cũng cao hơn chúng ta 3 lần. Mức giá bán ô tô chênh lệch giữa Việt Nam và hai nước nêu trên phần lớn là do chênh lệch về mức thu thuế của Nhà nước.

Còn chuyện một quả trứng hay một con gà cõng hàng chục loại thuế, phí không còn xa lạ, và đã là đề tài cho biết bao nhiêu bài báo lâu nay. Thuế và phí đang ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm xuống trong khi nợ công vẫn tiếp tục tăng nhanh đã trở thành một nghịch lý và là chỉ dấu cho thấy việc cân đối thu chi NSNN đang có nhiều điều bất ổn.

Thực tế cho thấy, hiện nay chúng ta không có đủ tiền để đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng như giao thông, y tế, giáo dục… nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, trong khi nhu cầu sử dụng tiền cho bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và rất nhiều các lĩnh vực quan trọng khác cũng đang rất cấp bách.

Trong bối cảnh đó thì thật khó đưa ra lời giải hoặc một dự báo chính xác là khi nào chúng ta có thể tự chủ được nguồn ngân sách để chi cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội, trong khi mức thu thuế đang cao. Vậy tiền thuế đang đi đâu?

Theo báo cáo của ngành Tài Chính thì chi thường xuyên năm 2015 (chi cho hoạt động của các cơ quan nhà nước)  chiếm xấp xỉ 70% tổng chi NSNN. Con số hơn 55.800 đơn vị sự nghiệp công trên cả nước đã làm nhiều người nghe phải giật mình.

Nếu bỏ qua các yếu tố như tham nhũng, lãng  phí, thất thoát… thì chỉ tính riêng việc  NSNN hàng năm phải trả lương và chi phí hoạt động cho khoảng 2,8 triệu viên chức, công chức chưa tính đến hơn tám triệu người ăn lương hoặc liên quan đến NSNN là một con số khủng khiếp và đúng là “Bộ máy lớn thế, dân nuôi sao nổi” như lời của ĐB Quốc hội Trần Du Lịch từng chua chát giữa nghị trường Quốc Hội.

Chúng ta đang có nhiều loại thuế phí rất cao, nhưng tiền thu được phần lớn lại chỉ để nuôi một bộ máy quá cồng kềnh là một điều thật vô lý.

Chủ trương tinh giản biên chế đã có từ lâu nhưng càng cắt giảm thì lại càng phình to thêm và riêng giai đoạn từ 2010 đến 2012 theo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” của Ủy ban thường vụ Quốc hộ cho thấy chỉ trong ba năm 2010 – 2012, số cán bộ công chức đã tăng hơn 35.000 người (sau khi trừ số người nghỉ), bằng 9,3% tổng số.

Số viên chức còn tăng nhiều hơn với trên 200.000 người, bằng 18,2% tổng số. Tất nhiên, đi cùng với đó là chi lương và các chế độ. Năm 2014 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giảm biên chế nhưng sau hơn một năm triển khai thì số lượng biên chế tinh giảm cũng rất hạn chế và còn một khoảng cách xa so với kỳ vọng.

Cân đối thu chi NSNN để đáp ứng yêu cầu ổn định và phát triển xã hội đang là một yếu tố sống còn và việc tinh giảm biên chế trong các cơ quan hành chính nhà nước cùng các đơn vị sự nghiệp đang là yêu cầu bắt buộc trong thời điểm hiện tại.

Một bộ máy cồng kềnh không những là một cỗ máy tiêu tốn tiền của nhân dân mà còn là một hàng rào ngăn cản sự tiến bộ và sự phát triển của toàn xã hội. Mạnh dạn cắt bỏ một số lượng lớn những cán bộ, công chức "Sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" có thể sẽ tạo ra những khó khăn và hệ lụy cho xã hội trong một thời điểm nhất định, nhưng chắc chắn những khó khăn đó sẽ có hướng giải quyết. Những người chỉ quen với việc ngủ yên trong chiếc áo biên chế ung dung đều đặn hưởng lương hàng tháng cần phải bị loại bỏ vì sự sống còn và đi lên của đất nước.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn