MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nam Định: Người dân chen chân ném tiền lẻ, chui qua kiệu cầu may

NGUYỄN DUY LDO | 02/02/2023 07:30

Đã từ lâu, người dân trong làng Cổ Nông (xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) tin rằng ai có thể chui qua hoặc ném tiền lẻ lên kiệu Thánh khi đang di chuyển sẽ nhận được nhiều may mắn, bình an. 

Lễ hội truyền thống làng Cổ Nông được tổ chức vào ngày mùng 10 Âm lịch hằng năm tại chùa Thiên Trúc. Sau 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, lễ hội không được tổ chức. Do đó, năm nay lễ hội truyền thống làng Cổ Nông thu hút hàng nghìn người dân làng và khách thập phương tham dự.  

Năm nay, lễ hội truyền thống Làng Cổ Nông đã diễn ra theo đúng kế hoạch, người dân địa phương phấn khởi tham gia. Ảnh: Nguyễn Duy

“Trải qua các giai đoạn khác nhau, lễ hội làng Cổ Nông vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống, chỉ khác hơn là kinh tế phát triển, mỗi năm tổ chức ngày một lớn và đẹp hơn. Nhìn thấy thế hệ sau này vẫn tiếp bước, gìn giữ và phát triển nét đẹp văn hóa làng xã, tôi rất mừng và trân trọng điều đó", ông Đàm Công Viên - thành viên ban tổ chức lễ hội cho hay. 

Ông Đàm Công Viên đã rất nhiều năm là thành viên ban tổ chức của lễ hội. Ông là người chịu trách nhiệm cho việc sắp lễ và cúng bái. Ảnh: Nguyễn Duy

Theo ông Viên, lễ hội truyền thống của làng đã có từ lâu, rất ít tài liệu ghi chép nên người dân chỉ truyền miệng nhau về nguồn gốc của hội làng. Ngoài ý nghĩa gắn kết dân làng, đây còn là dịp để dân làng thờ phụng tâm linh, cầu bình an.

Cũng theo ông Viên, rước kiệu Thánh là hoạt động chính của Lễ hội truyền thống làng Cổ Nông. Người rước kiệu phải là các chàng trai khỏe mạnh và thông qua tuyển chọn khắt khe từ trước. Lễ hội gồm 2 kiệu, mỗi kiệu sẽ có từ 6-8 thanh niên trai tráng đảm nhiệm việc rước kiệu.

Năm nay lễ hội truyền thống Làng Cổ Nông đã diễn ra theo đúng kế hoạch, người dân địa phương phấn khởi tham gia. Ảnh: Nguyễn Duy

“Tất cả thanh niên trong làng đều có thể đăng ký và sẽ bốc thăm để lựa chọn làm người rước kiệu. Người quá thấp hoặc quá cao, người không có sức khỏe tốt sẽ không được tham gia rước kiệu”, ông Viên thông tin.

Kiệu Thánh sẽ xuất phát từ chùa Thiên Trúc, sau đó rước quanh làng với hy vọng phát lộc đến mọi nhà. Người dân tin rằng ai có thể chui qua, hoặc ném tiền lên khi kiệu Thánh đang di chuyển sẽ được che chở, bình an, may mắn cả năm.

Vì vậy, mọi người thường chen nhau đến gần kiệu. Nhiều người còn bế theo con nhỏ, chui qua gầm kiệu với hy vọng con cái cũng được bình an, khỏe mạnh.

 Người dân chen nhau chui qua gầm kiệu, cầu may. Ảnh: Nguyễn Duy.

Tuy nhiên, kiệu thường xuyên chao đảo, hướng di chuyển không cố định nên không dễ dàng để thể thực hiện việc ném tiền lẻ hay chui qua kiệu. 

Chị Đàm Hồng Vân - người dân làng chia sẻ: “Mỗi năm ở hội làng sẽ tổ chức những trò chơi dân gian khác nhau. Những năm gần đây, làng còn mời thêm các đoàn hát chèo, kịch, nghệ sĩ hài để biểu diễn. Ngoài nét đẹp văn hóa tâm linh từ ngàn xưa, hội làng còn là nơi để mọi người cùng nhau vui vẻ thông qua các trò chơi những ngày đầu năm mới".

Bên cạnh rước kiệu, các trò chơi dân gian và hoạt động mua bán được diễn ra sôi nổi. Ảnh: Nguyễn Duy.

Không chỉ vậy, lễ hội làng là cơ hội để người dân có thể tìm hiểu nhiều hơn về lịch sử, cội nguồn quê hương. "Tôi rất tự hào khi được sinh ra từ làng. Tôi và các thế hệ sau tôi tiếp tục lưu giữ phong tục tốt đẹp được truyền lại từ cha ông. Thế hệ trẻ càng cần phải có trách nhiệm giữ gìn và phát huy những nét đẹp xưa của làng xã", chị Hồng Vân cho hay. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn