MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sự cố vỡ đường ống tạm sau khi UBND huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) tiến hành cưỡng chế đã gây "mất nước" trong các ngày 24, 25.5. Ảnh: CTV

Nam Định: Vì sao doanh nghiệp nước sạch kiện Chủ tịch UBND huyện ra tòa?

TRUNG DU LDO | 27/05/2022 16:14
Nam Định - Giám đốc Công ty TNHH Mai Thanh đã nộp đơn khởi kiện Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) ra Tòa án nhân dân tỉnh. Hiện phía tòa án xác nhận đã tiếp nhận đơn kiện cùng tài liệu, chứng cứ mà doanh nghiệp này cung cấp.

Tranh cãi suốt 3 năm

Công ty TNHH Mai Thanh có trụ sở tại số 168 Đại Tân, xã Nghĩa Sơn (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) do bà Nguyễn Thị Thanh làm giám đốc.

Doanh nghiệp này là chủ sở hữu nhà máy nước sạch sinh hoạt Phú Mỹ Tân, có công suất 28.000m3/ngày đêm, phục vụ hàng chục nghìn hộ dân thuộc 9 xã trong huyện Nghĩa Hưng.

Ngày 11.5.2022, UBND huyện Nghĩa Hưng thực hiện cưỡng chế di dời đường ống cấp nước sạch của nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân để lấy mặt bằng sạch thi công dự án kênh nối Đáy - Ninh Cơ.

Điều này đồng nghĩa với việc hàng nghìn hộ dân ở huyện Nghĩa Hưng đang sử dụng nước sạch của nhà máy sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, phương án xây dựng hoàn trả đường ống của đại diện chủ đầu tư dự án kênh nối Đáy - Ninh Cơ chưa được Công ty TNHH Mai Thanh chấp thuận.

Trao đổi với PV Lao Động ngày 26.5, bà Nguyễn Thị Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Mai Thanh - cho biết, đây là vấn đề tồn tại dai dẳng suốt từ năm 2019 đến nay chưa có hồi kết và hai bên vẫn chưa thống nhất phương án giải quyết tính đến thời điểm hiện tại. Vậy nhưng, UBND huyện Nghĩa Hưng đã ra quyết định, tổ chức cưỡng chế đối với tài sản của công ty, gây ảnh hưởng đến việc cung ứng nước sạch cho nhân dân.

"Năm 2015, tỉnh Nam Định triển khai thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới, trong đó có mục tiêu cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân. Tại huyện Nghĩa Hưng, với đặc thù gần biển, nhiều năm liền hàng vạn hộ dân không có nước sạch, phải sử dụng nước giếng khoan bị nhiễm phèn, nhiễm mặn… không đảm bảo chất lượng. Khi đó, Mai Thanh đã đứng lên xây dựng phương án, được UBND tỉnh Nam Định chấp thuận đầu tư nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân với công suất 28.000m3/ngày đêm cấp nước sạch cho các xã trong huyện" - bà Thanh trình bày. 

Nội dung đơn khởi kiện Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng của Công ty TNHH Mai Thanh. Ảnh: T.D

Khi dự án đang vận hành ổn định, có hiệu quả, năm 2019, Công ty TNHH Mai Thanh bất ngờ nhận được thông báo của UBND tỉnh Nam Định; UBND huyện Nghĩa Hưng về việc di dời khoảng 400m đường ống nước (tại xã Nghĩa Sơn) để phục vụ cho việc xây dựng công trình kênh nối đáy - Ninh Cơ thuộc dự án WB6.

Điều đáng nói, khi phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất để thực hiện kênh nối sông Đáy - Ninh Cơ, huyện Nghĩa Hưng không đề cập đến công trình nước sạch của Công ty TNHH Mai Thanh.

Cho đến tháng 6.2021, UBND huyện Nghĩa Hưng mới có báo cáo và chính thức đề nghị UBND tỉnh Nam Định chấp thuận bổ sung công trình nước sạch vào hạng mục hoàn trả do ảnh hưởng từ việc giải phóng mặt bằng.

“UBND huyện Nghĩa Hưng sau đó đã ra quyết định phê duyệt thiết kế đi ngầm để hoàn trả cho nhà máy nước chúng tôi. Phương án này không đúng kỹ thuật, gây khó cho doanh nghiệp nên chúng tôi không đồng tình” - bà Thanh cho biết thêm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo xem xét

Không thống nhất được phương án đền bù và phương án hoàn trả công trình đường ống cấp nước sạch, bà Thanh gửi đơn kêu cứu lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải - chủ đầu tư dự án kênh nối Đáy - Ninh Cơ.

Ngày 18.5, Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định ký giấy xác nhận số 35/2022/GXN-TA gửi Công ty TNHH Mai Thanh với nội dung đã nhận được đơn khởi kiện đề ngày 16.5 của bà Nguyễn Thị Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Mai Thanh - kèm các tài liệu, chứng cứ có liên quan do cán bộ của công ty nộp trực tiếp đến tòa.

Giấy xác nhận của Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định. Ảnh: T.D

Trong đơn khởi kiện này, bà Thanh kiện đích danh Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng - ông Trần Văn Dương vì cho rằng, ông này đã ban hành 3 quyết định hành chính số 755, 756 và 1256 không đúng quy định pháp luật liên quan vụ việc tranh cãi về vấn đề cưỡng chế giải phóng mặt bằng, phương án hoàn trả hơn 400m đường ống dẫn nước sinh hoạt của nhà máy Phú Mỹ Tân.

Bà Thanh đề nghị toà tuyên huỷ bỏ toàn bộ các quyết định hành chính nói trên; buộc UBND huyện Nghĩa Hưng bồi thường thiệt hại, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của Công ty TNHH Mai Thanh vì cho rằng các quyền lợi của công ty bà đã bị xâm phạm, trái pháp luật.

Trả lời báo chí, ông Trần Văn Dương - Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng - nói rằng: "Công ty Mai Thanh có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng. Cá nhân tôi thực hiện theo đúng thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, vì sự phát triển chung. Tất cả đều được pháp luật quy định”.

Liên quan vấn đề này, ngày 24.5, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường ký Thông báo số 1045/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện tháng 4 năm 2022 của Quốc hội (tại Phiên họp thứ 11, tháng 5.2022).

Trong đó có nội dung: Văn phòng Chính phủ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Nam Định xem xét, rà soát lại toàn bộ quy trình, thủ tục đầu tư, xây dựng khi thực hiện hoàn trả công trình Hệ thống đường ống nước sạch của Công ty TNHH Mai Thanh để đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, sự an toàn cho toàn bộ hệ thống cấp nước và đời sống, sinh hoạt của 27.000 hộ dân thuộc 9/10 xã vùng nhiễm mặn của huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định; cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty TNHH Mai Thanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn