MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đối tượng cướp giật bị bắt giữ (ảnh minh họa)

Nạn cướp giật tại TP. HCM: Chính quyền phải mạnh tay để bảo vệ dân và du khách

Hoàng Thanh Phong LDO | 15/03/2016 19:13
Mấy ngày hôm nay người dân cả cả nước theo dõi qua báo chí cũng như các phương tiện truyền thông khác đều cảm thấy bức xúc, bất bình pha lẫn sự... xấu hổ về vụ cướp giật xẩy ra tại phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP. Hồ Chí Minh, mà nạn nhân là một khách du lịch nữ trẻ người Anh, khi cô bị giật mất giỏ xách mà trong đó có tất cả tài sản bao gồm tiền bạc, giấy tờ tùy thân. 

 

Hình ảnh vị khách du lịch sau khi bị giật giỏ xách ngồi bệt xuống lòng đường khóc thảm thiết nói lên sự tuyệt vọng ở nơi xứ người đã lan truyền với tốc độ chóng mặt qua các trang báo, trang mạng và làm rung động không biết bao nhiều con người không chỉ ở nước ta mà còn hàng triệu người khác trên thế giới. 

Mọi người thương cho tình cảnh không may mắn của cô gái ấy bao nhiêu thì cũng đồng thời tỏ thái độ căm phẫn bất bình những tên kẻ cướp bất nhân bấy nhiêu, bởi chính những tên kẻ cướp đó và vấn nạn cướp giật đã, đang hoành hành ở đô thị lớn nhất cả nước này luôn để lại một “vết gợn” xấu trong con mắt của không chỉ của bè bạn bốn phương trên thế giới, mà còn của chính người Việt ta ở mọi vùng miền khi họ nhìn về TP. Hồ Chí Minh về vấn đề cướp giật này.

Vâng, nói như vậy hẳn sẽ là không hề sai chút nào, bởi như tôi đây, vốn là một người ở các tỉnh Phía Bắc, khi vào thành phố Phương Nam đầy sôi động này để lập nghiệp, thì trong giai đoạn mới vào bạn bè, người thân của tôi ở trong này đều cảnh báo với tôi về tình trạng cướp giật của thành phố là rất manh động, táo tợn... Nghe lời khuyên và tôi cũng đã đề phòng nhiều điều như, ra đường phải đeo ba lô vào hai vai chứ không được đeo một bên quai, hoặc chí ít cũng phải đeo ngược về phía trước. Khi nghe gọi điện thoại trên đường phố thì luôn phải “nằm lòng” là lên vỉa hè dừng xe rồi mới sử dụng chứ không được vừa điều khiển xe, hay vừa đi bộ vừa sử dụng điện thoại. Thế nhưng chính tôi cũng là nạn nhân khi vừa mới chân ướt chân ráo vào Sài Gòn chưa đầy 1 tháng. 

Đó là một buổi chiều xẩm tối, khi đang sang đường gần khu vực trạm buýt chợ Bến Thành, tôi bị hai tên cướp đi xe không treo biển số giật mất chiếc máy ảnh Canon mà tôi đang khoác ở một bên vai. Chiếc máy ảnh trị giá chỉ mấy triệu bạc thôi, nhưng đó cũng là bài học thực tế để tôi cẩn thận hơn, nêu cao tinh thần cảnh giác hơn nữa trong việc chống cướp giật trên đường phố.

Hay như cậu bạn tôi, cũng là một người Hà Nội, vào Sài Gòn thuê mặt bằng mở công ty chuyên về cây thuốc thảo dược được 2 năm nay ở quận Phú Nhuận. Vì nghĩ đường phố bình yên và ít có chuyện cướp giật như ngoài kia, nên trong một bữa mất cảnh giác, cậu ta cầm chiếc iphone 6s sử dụng trong lúc đang điều khiển xe gắn máy thì bị 2 tên phóng xe máy cùng chiều từ sau rồ tới giật phăng rồi phóng bạt mạng biến mất. Khi định thần lại thì hai tên cướp đã mất hút, và cậu ta cũng đành phải tự an ủi bản thân là “của đi thay người” khi may mà không bị ngã xuống đường và bị sao là may mắn rồi...

Chẳng riêng gì chuyện bị cướp khi khổ chủ là tôi, là bạn tôi với lời kể trên, mà trong khoảng mấy năm sinh sống tại thành phố này chính mắt tôi cũng đã từng chứng kiến rất, rất nhiều vụ cướp giật mà nạn nhân trong số đó không ít là người nước ngoài. 

Tại các khu phố trung tâm như quận 1, quận 3, quận 5...- nơi mà du khách nước ngoài lưu trú nhiều thì bọn cướp luôn lượn lờ qua các con phố để “rình mồi” đợi khách sơ hở là chúng ra tay. Khách nước ngoài thường không phải ai cũng biết được vấn nạn xấu về cướp giật ở thành phố nên họ thường rất sơ hở, hớ hênh khi ra đường, vì thế giỏ xách, điện thoại là những thứ tài sản mà du khách dễ bị giật nhất.   

Cuối năm 2015, tối một ngày cuối tháng 12, lúc đó khoảng qua 24 giờ đêm, tôi chứng kiến một khách nước ngoài đang nói chuyện điện thoại và đi trên vỉa hè đường Phạm Ngũ Lão thì bất thình lình bị một tên chạy bộ từ phía sau tới giật mất chiếc điện thoại. Tên cướp nhanh nhảu chạy lại chiếc xe máy đang nổ máy mà tên đồng bọn đang đợi sẵn ở lề đường rồi rồ ga phóng thẳng khiến cho người khách nước ngoài chỉ còn biết ú ớ không kịp phản ứng.

Kể ra các vụ cướp giật tôi không có ý “nói xấu”, nhưng có một điều chắc chắn rằng tất cả chúng ta đều phải thừa nhận một điều rằng, vấn nạn cướp giật ngày càng manh động, táo bạo, lũng loạn tại TP. HCM luôn là thực trạng quá buồn. Tại sao Hà Nội cũng là một đô thị lớn (chỉ kém TP. HCM về dân số chút ít) mà nhịp sống cũng như an ninh ở đây khá yên bình, khi người dân ra đường ít phải lo toan đề phòng vì các vụ cướp giật. Điều cốt lõi ở đây là chính quyền ở Thủ Đô làm tốt công tác trấn áp tội phạm. Có người sẽ vin rằng Hà Nội là Thủ Đô, lại có lực lượng cảnh sát 141 nên ít có cướp cũng như các vấn đề tệ nạn khác là đương nhiên, điều đó có thể là đúng nhưng cũng không hẳn hoàn toàn đúng, vì các độ thị khác trên cả nước (Trừ TP. HCM) vấn đề cướp giật cũng không đến mức lũng loạn và báo động như Sài Gòn! Vấn đề này các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng của TP. HCM cần phải nhìn nhận một cách thấu đáo vấn đề và nhanh chóng đưa ra phương hướng, biện pháp hữu hiệu, cứng rắn để lập lại trật tự an ninh trên đường phố trong việc trấn an, truy lùng và xóa xổ vấn nạn cướp giật.

Nếu chính quyền thành phố vẫn “thờ ơ” với vấn nạn cướp giật trên đường phố như bấy lâu nay thì không chỉ tính mạng, tài sản của mọi công dân sống trong thành phố bị bất an, đe dọa, mà du khách nước ngoài sẽ không còn mặn mà gì khi đến đây thăm viếng, bởi tiếng xấu về một “thành phố cướp giật”, hay “TP. có an ninh không ổn”... sẽ không dễ gì gột rửa được trong chỉ một sớm một chiều! Tôi nghĩ chẳng riêng gì một ai, mà hết thảy mọi công dân thành phố cũng như cả nước đều mong muốn TP. HCM nhanh chóng ra tay trấn an cướp giật để bảo vệ người dân và du khách.                    Hoàng Thanh Phong                                                                                           

(Đại Học SPKT TP. Hồ Chí Minh)   

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn