MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường tiểu học Lộc Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: HẢI ĐĂNG

Nan giải bài toán xã hội hóa giáo dục trong thời điểm dịch bệnh

QUANG ĐẠI LDO | 28/10/2021 09:14

Dịch bệnh COVID-19 đang gây ra nhiều khó khăn rất lớn cho ngành giáo dục, trong đó có công tác xã hội hóa, huy động nguồn tài trợ, đóng góp của người dân để nâng cao chất lượng dạy học.

Từ chuyện trường tiểu học Lộc Ninh

Thời gian gần đây, có một số trang mạng xã hội phản ánh về việc thu tiền phụ huynh để sắm điều hòa, tivi tại trường tiểu học Lộc Ninh (TP Đồng Hới, Quảng Bình) gây xôn xao dư luận.

Theo đó, trong thời điểm dịch bệnh khó khăn, phụ huynh phải đóng từ 750 nghìn – 1 triệu đồng/người, việc thu tiền chưa có báo lên chính quyền địa phương và cơ quan cấp trên, có dấu hiệu sai quy trình, lạm thu, trái chủ trương của địa phương.

Tuy nhiên, qua xác minh, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Đồng Hới đã có báo cáo số 898 ngày 27.10, khẳng định:  việc lắp đặt các thiết bị gồm điều hòa nhiệt độ, ti vi phục vụ trực tiếp cho học sinh lớp 1B là xuất phát từ nhu cầu và đề xuất của phụ huynh, đã được toàn thể phụ huynh của lớp họp, bàn bạc, nhất trí.

Việc thu tiền và mua sắm các trang thiết bị trên do các phụ huynh nhờ giáo viên chủ nhiệm thu hộ sau đó giáo viên chủ nhiệm bàn giao tiền lại cho phụ huynh để mua sắm. Phụ huynh của lớp cũng đã bàn giao lại cho lớp các thiết bị gồm 2 điều hòa, 1 ti vi phục vụ cho học sinh trong 5 năm.

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Đồng Hới, nguyện vọng của phụ huynh đóng góp tài trợ các trang thiết bị cho lớp học của con em mình là chính đáng, rất đáng biểu dương, việc thực hiện của phụ huynh cơ bản thực hiện đúng quy định (tổ chức họp bàn bạc thống nhất qua zalo, trao đổi, đề xuất, lập dự trù kinh phí, đóng góp không cào bằng và có hỗ trợ thêm cho các phụ huynh có điều kiện khó khăn hơn, lắp đặt xong tổ chức bàn giao).

Việc phụ huynh tự nguyện tài trợ, hỗ trợ bằng hiện vật được khuyến khích quy định tại Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT ngày 3.8.2018 của Bộ GDÐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo duc thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Khó khăn của công tác xã hội hóa giáo dục

Chuyện của trường tiểu học Lộc Ninh cho thấy công tác xã hội hóa giáo dục trong thời điểm hiện nay hết sức khó khăn. Nhiều địa phương ra văn bản dừng triển khai hoạt động này. Một số dư luận cho rằng thời điểm dịch bệnh thì các cơ sở giáo dục không nên thu thêm khoản tiền nào để gây khó khăn cho phụ huynh.

Do đó, nhiều trường “án binh bất động”, không dám tổ chức khởi động các hoạt động kêu gọi hỗ trợ, tài trợ cơ sở vật chất cho trường học và hỗ trợ các hoạt động giáo dục, học sinh khó khăn.

Trong khi nguồn kinh phí ngân sách eo hẹp, nhiều hạng mục thiết bị thiếu thốn hoặc xuống cấp, nhiều hoạt động giáo dục cần thiết tổ chức nhưng không có kinh phí, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, hiệu quả dạy học.

“Hiện nay là thời điểm nhạy cảm, mặc dù là các nhu cầu rất chính đáng nhưng nhà trường vẫn không dám đứng ra tổ chức kêu gọi vận động, tài trợ” – một hiệu trưởng trường phổ thông tại Hà Tĩnh chia sẻ.

Theo chuyên gia giáo dục Lê Văn Vỵ (Hà Tĩnh), nhận thức dịch bệnh khó khăn chung dẫn tới việc “đóng băng” tất cả các hoạt động xã hội hóa giáo dục là không đúng. “Dịch bệnh khó khăn chung, tiết kiệm chi tiêu là hợp lý, nhưng không có nghĩa là không tiếp tục dành sự quan tâm đầu tư, tài trợ, hỗ trợ cho giáo dục.

Cần tiếp tục khuyến khích, triển khai các hoạt động xã hội hóa để huy động nguồn lực xã hội, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, với nguyên tắc tự nguyện, đúng mục đích, minh bạch và hiệu quả” – ông Lê Văn Vỵ nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn