MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các bị cáo trong vụ án Tịnh Thất Bồng Lai được đưa đến phiên tòa ngày 21.7. Ảnh: An Long

Nạn nhân đáng thương trong vụ án Tịnh Thất Bồng Lai

QUANG ĐẠI LDO | 21/07/2022 18:47

Trong vụ án Tịnh Thất Bồng Lai, nạn nhân đáng thương nhất là Diễm My và đau khổ nhất là bố mẹ thiếu nữ này.

Dư luận đang hướng sự quan tâm về phiên toà sơ thẩm xét xử ông Lê Tùng Vân và đồng phạm trong vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân” xảy ra tại Tịnh thất Bồng Lai (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An).

Một nhân chứng quan trọng, đồng thời là nạn nhân đáng thương của vụ án là Diễm My, hiện vẫn còn mất tích.

Theo ý kiến của thượng tá Nguyễn Sơn, Trưởng Công an huyện Đức Hòa tại phiên tòa, vụ việc xảy ra khi vào năm 2019, Công an huyện Đức Hòa nhận đơn của ông Thắng, bà Mai (cha mẹ Diễm My) về việc tìm giúp con gái. Cán bộ công an đã mời bố mẹ Diễm My lên làm việc và bàn giao con gái cho họ.

Bố mẹ Diễm My cho hay, trước năm 2019, con gái có đến nhà bà Cúc. Sau đó, Diễm My bỏ nhà đi luôn. Gia đình đến tìm kiếm thì những người trong hộ bà Cúc không cho gặp nên họ gửi đơn đến công an. Lúc làm việc, tinh thần con gái họ hoảng loạn, không đủ lý trí, nên phải nhờ công an gọi xe cứu thương đưa về. Tuy nhiên, khoảng 6 tháng sau, Diễm My lại bỏ nhà đi, đến nay không biết ở đâu.

Những lời nói ngắn nhưng chất chứa nỗi đau khổ tột cùng của những người làm cha làm mẹ. Sinh con, vất vả nuôi nấng trưởng thành, dồn tất cả yêu thương, ai cũng mong con học hành thành đạt, có công ăn việc làm, lập gia đình, có cuộc sống hạnh phúc. Đối với Diễm My, không biết bằng cách nào, em đã liên hệ với Tịnh Thất Bồng Lai, được làm lễ quy y, rồi chấp nhận ở lại đi tu, rời xa gia đình, cho dù đây không phải là cơ sở Phật giáo chính thống.

Bố mẹ em tìm đủ mọi cách, nhờ anh em bạn bè, lực lượng công an giúp đỡ, đã đưa được con gái về, nhưng sau đó đành bất lực vì Diễm My tự ý rời bỏ gia đình, không liên lạc.

Nỗi đau khổ của bố mẹ Diễm My gợi lên những cảm thương sâu sắc và đặt ra vấn đề trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức xã hội trong việc giáo dục, bảo vệ trẻ em, hướng trẻ em đến con đường lập nghiệp, lao động và có cuộc sống hạnh phúc.

Bảo vệ trẻ em, không chỉ là nhiệm vụ lo an toàn về tính mạng, sức khỏe, mà cần bảo vệ các em trước sự lôi kéo, rủ rê của những đối tượng bất hảo, đầu độc tinh thần các em, đưa các em vào con đường mê muội, ảo giác, sai lầm.

Những vết thương trên thân thể các em, dù đau đớn nhưng có thể chữa lành, còn những tổn thương về mặt tinh thần, sự lệch lạc về nhận thức, quan niệm, hoang tưởng thì vô cùng khó để điều chỉnh, cân bằng, thay đổi.

Cộng đồng cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tinh tường hơn, nhạy bén hơn, quyết liệt hơn trong việc bảo vệ trẻ em trước những “chất độc” về tinh thần trong xã hội, chung tay vì một thế hệ trẻ có tinh thần khỏe khoắn để lập thân, lập nghiệp, xây dựng cuộc sống hạnh phúc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn