MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Điện nước tăng giá kéo theo các mặt hàng thiết yếu tại chợ cũng bắt đầu tăng. Ảnh: Bích Ngọc

Nắng nóng, người dân Cần Thơ hạn chế dùng điện, săn sale để tiết kiệm

VÂN HI LDO | 18/03/2024 13:22

Cần Thơ - Trong bối cảnh thời tiết nắng nóng, oi bức, giá điện nước tăng kéo theo giá cả các mặt hàng thiết yếu cũng tăng khiến công nhân, người lao động phải hạn chế mua sắm, tiết kiệm chi tiêu.

Điện, nước, hàng thiết yếu đua nhau tăng giá

Đi chợ vào buổi sáng sớm trước khi đi làm, chị Hạ Mi (công nhân một công ty may mặc tại TP Cần Thơ) phải chi tiền nhiều hơn ngày thường để mua thực phẩm nấu ăn cho gia đình vì giá cả hàng hóa đều tăng vọt.

Chị Mi cho biết: “Cách đây khoảng một tuần, 200.000 đồng đi chợ có thể mua 1kg thịt lợn, 2 lô trứng, một ít rau củ quả. Bây giờ đi chợ, thịt lợn đã tăng hơn 10.000 đồng/kg, trứng và rau củ cũng tăng, mua lượng thực phẩm như ngày thường đã phải tiêu 240.000 đồng”.

Cũng theo nữ công nhân này, không chỉ có thực phẩm thiết yếu tăng giá mà trước đó vài tuần, điện nước cũng đã tăng. “Tôi nghĩ do điện, nước tăng giá nên hàng hóa, thực phẩm ở chợ tăng theo. Tháng rồi, tôi đóng tiền điện, nước đã 330.000 đồng cao hơn bình thường 50.000 đồng”, chị Mi nói.

Ghi nhận tại các khu chợ thuộc quận Ninh Kiều như chợ Tân An, Xuân Khánh,… các loại thực phẩm thiết yếu như thịt cá, rau củ quả đều tăng nhẹ. Theo chia sẻ của các tiểu thương, nguyên nhân tăng giá là do thời tiết nắng nóng, xăng dầu tăng, kéo theo các chi phí như vận chuyển, bảo quản, nhân công... đã đẩy giá thành sản phẩm lên theo.

"Phía vận chuyển thủy sản, rau cải bỏ mối cho tôi họ báo do xăng dầu, điện nước tăng nên buộc lòng tôi cũng phải nâng giá bán. Hơn nữa, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu mua sắm, ăn uống, nhất là các loại hoa quả, rau củ tiêu thụ mạnh nên giá bán cũng cao hơn”, chị Kim Ngân (tiểu thương tại chợ Tân An, quận Ninh Kiều) cho biết.

Hạn chế dùng điện, săn sale để tiết kiệm

Trước tình trạng giá các mặt hàng thiết yếu “nhảy múa” liên tục như hiện nay khiến công nhân, người lao động có thu nhập thấp bị ảnh hưởng, phải cân nhắc hạn chế mua sắm để tiết kiệm chi tiêu.

Vẫn đi chợ với 200.000 đồng theo kế hoạch nhưng sẽ giảm bớt số lượng thực phẩm là cách mà chị Hạ Mi tiết kiệm chi tiêu cho gia đình.

“Giá cả đều tăng nhưng lương thì không, nếu không tiết kiệm thì sẽ có ngày chật vật không có cái ăn. Đi chợ giờ chỉ mua các thực phẩm đủ dùng”, chị Mi cho biết.

Để tiết kiệm, người lao động hạn chế chi tiêu, mua sắm. Ảnh: Bích Ngọc

Không chỉ tiết kiệm khi mua sắm thực phẩm, chị Mi cũng hạn chế sử dụng điện nước, xăng xe đi lại. “Thời tiết dạo này nắng nóng, nhiều hôm oi bức không ngủ được nhưng để tiết kiệm tiền, tôi cố gắng chịu chứ không bật quạt, đi đâu gần, tôi đi bộ chứ không lấy xe máy đi", chị Mi nói thêm.

Để tiết kiệm điện trong thời tiết nắng nóng, oi bức chị Phan Thị Ngọc Lý (nhân viên văn phòng tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đặt ra kế hoạch, buổi trưa, chị để các con ở trường, chồng và bản thân ở lại công ty nghỉ ngơi tiết kiệm tiền điều hòa, xăng xe đi lại.

“Tối tôi chỉ bật điều hòa lúc 21h, sau đó tăng lên 28 độ và bật kèm quạt gió mức nhỏ đủ mát. Hôm nào trời dễ chịu hơn thì dùng quạt máy. Tôi cũng tận dụng thùng xốp, vỏ chai để trồng rau cải tại nhà để dùng, vừa sạch, vừa tiết kiệm chi tiêu”, chị Lý nói.

Chị Thiên Chúc (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết: “Tôi thường vào siêu thị buổi tối để mua đồ giảm giá. Từ các suất ăn sẵn đến rau củ quả giảm từ 30 - 50%, dù có hơi sẫm màu, lõm vỏ vẫn ăn được nên tôi tranh thủ săn sale. Tình hình giá cả như hiện nay, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn