MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các chuyên gia trực tiếp trả lời, tư vấn cho cán bộ, đoàn viên, người lao động. Ảnh: Hà Anh

Ném chất bẩn vào nhà người vay nợ, sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật

Hà Anh LDO | 16/06/2023 10:02

Ngày 16.6, Báo Lao Động Thủ Đô phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện Phúc Thọ (Hà Nội) tổ chức buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Nâng cao kiến thức pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội và phòng tránh tín dụng đen”.

Tại buổi đối thoại, các chuyên gia: Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu - Cục Truyền thông Công an nhân dân, Bộ Công an trực tiếp trả lời, tư vấn cho gần 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động về các vấn đề liên quan đến pháp luật, lao động, bảo hiểm xã hội…

Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình phát biểu khai mạc buổi đối thoại. Ảnh: Hà Anh

Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình cho biết, trong thực tiễn quan hệ lao động, việc tuân thủ đầy đủ, nghiêm chỉnh pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội của cả người sử dụng lao động và người lao động có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thế nhưng, trong khi các quy định của pháp luật liên tục được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế ở từng thời điểm, mà đại đa số người lao động và cũng không ít người sử dụng lao động lại không cập nhật nắm bắt kịp thời vì nhiều lý do khác nhau, dẫn đến việc có lúc, có nơi, chính sách pháp luật còn chưa được thực thi đầy đủ, quyền lợi của người lao động ở một số doanh nghiệp còn bị vi phạm.

Bên cạnh đó, thời gian qua, do những ảnh hưởng của thời kỳ hậu COVID-19 và những yếu tố bất lợi từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới, việc sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó, ảnh hưởng nhiều đến việc làm, thu nhập, đời sống của công nhân lao động là một trong những nguyên nhân khiến vấn nạn “tín dụng đen” bùng phát trong đời sống công nhân. Đó là, các đối tượng cho vay nặng lại lợi dụng những khó khăn về tài chính của công nhân, người lao động, tung ra những chiêu trò quảng cáo thông qua mạng xã hội, vay qua app, tờ rơi để dụ dỗ, lôi kéo công nhân, người lao động sập bẫy, từ đó phải chịu nhiều hệ lụy tiêu cực.

“Từ những lý do như trên, tiếp tục chuỗi hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho công nhân viên chức lao động, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với LĐLĐ huyện Phúc Thọ tổ chức buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Nâng cao kiến thức pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội và phòng tránh tín dụng đen”, góp phần để chính sách pháp luật được thực thi hiệu quả, bảo vệ được quyền lợi của người lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hòa” - ông Bình cho hay.

Cán bộ công đoàn đặt câu hỏi tới các chuyên gia. Ảnh: Hà Anh

Tại buổi đối thoại, chị Nguyễn Thị Tuyết - Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Long Xuyên hỏi: Bạn tôi có vay tín dụng đen 100 triệu đồng. Hiện tại bên cho vay đang thực hiện các hành vi côn đồ để đòi nợ. Tôi xin hỏi, hành vi của bên cho vay ở trên có phải là hành vi vi phạm pháp luật không? Người thân của bạn tôi có phải chịu trách nhiệm liên đới không vì việc vay nợ của bạn tôi không?

Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu trả lời câu hỏi của cán bộ công đoàn. Ảnh: Hà Anh

Trả lời câu hỏi của cán bộ công đoàn, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu cho biết, hiện nay ở Việt Nam chưa có khái niệm bằng văn bản về tín dụng đen, tuy nhiên thực tế có thể hiểu tín dụng đen là một hình thức vay tiền lãi suất cao từ các tổ chức không đăng ký kinh doanh. Đây là hình thức vay tín chấp, thời gian giải ngân rất nhanh, các giao dịch không được pháp luật bảo hộ và lãi suất rất cao. Theo quy định luật dân sự, lãi suất cho vay không được vượt quá 20%/năm.

“Câu chuyện cho vay 100 triệu như trên, nếu như vượt quá 5 lần so với khoản vay mức 20%/năm thì có dấu hiệu tội phạm cho vay nặng lãi, thu nhập bất chính, hành vi có dấu hiệu cấu thành hình sự. Theo luật dân sự, nếu khoản vay nào vượt quá mức lãi suất 20% của khoản vay đó, thì người vay không phải trả lãi của khoản vay đó” - Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu chia sẻ.

Luật sư Nguyễn Văn Hà tư vấn cho cán bộ công đoàn. Ảnh: Hà Anh

Luật sư Nguyễn Văn Hà bổ sung thông tin, trong trường hợp người thân của người vay bị uy hiếp tinh thần thì người thân có trách nhiệm phải trả không? Nếu người đi vay dưới 18 tuổi, có tài sản riêng thì vẫn phải chịu trách nhiệm trả nợ, người thân không phải trả. Dưới 12 tuổi, giao dịch dân sự vô hiệu, do đó các khoản tiền vay 100 triệu đồng trên sẽ chỉ phải trả đúng 100 triệu đồng chứ không phải trả lãi.

Theo pháp luật, khi người vay đi vay tiền của người khác thì người thân không phải chịu trách nhiệm về khoản vay đó. Trừ quan hệ vợ chồng, nếu khoản vay đó liên quan đến tài sản chung, chi tiêu chung trong sinh hoạt chung vợ chồng. Nếu khoản vay đó không liên quan đến sinh hoạt chung thì vợ hoặc chồng của người vay sẽ không phải trả, trừ khi tự bản thân họ muốn trả.

Còn hành vi uy hiếp gia đình người vay nợ như ném chất bẩn vào nhà, gọi điện liên tục… nếu bị tố cáo sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật (tùy hành vi)…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn