MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bỏ quy định về tạm giữ xe vi phạm hành chính sẽ giảm bớt áp lực công việc cho cơ quan chức năng trong việc giữ gìn, bảo quản xe vi phạm cũng như về kho, bãi. Ảnh minh hoạ: Cao Huân.

Nên bỏ quy định về tạm giữ xe ôtô, xe máy vi phạm hành chính

ThS Phạm Văn Chung - Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum LDO | 07/04/2023 20:20
Việc quy định tạm giữ phương tiện như ôtô, xe máy vi phạm pháp luật về giao thông để đảm bảo cho việc xử lý vi phạm hành chính là tương đối hợp lý, khi đó buộc người vi phạm phải thực hiện quyết định xử phạt hành chính nếu không sẽ bị tịch thu phương tiện.

Tuy nhiên, thực tế triển khai việc "giam" xe vi phạm phát sinh những vấn đề ngoài ý muốn - đó là nhiều người vi phạm khi bị giữ xe đã bỏ luôn xe, trong khi thời gian đưa ra bán đấu giá kéo dài dẫn đến tình trạng quá tải tại các bãi tạm giữ xe vi phạm hành chính.

Từ đó, nảy sinh vấn đề như cơ quan tạm giữ xe phải xây dựng kho bãi, bảo quản và cử người trông giữ... Theo quy định hiện hành, để bán được một xe máy từ khi người vi phạm bỏ xe phải tuân thủ thời hiệu xử lý vi phạm hành chính là 1 năm và trải qua các bước thông báo, tịch thu, thẩm định giá bán đấu giá có khi mất khoảng 2 - 3 năm.

Tuy vậy, khi đưa ra đấu giá không mấy thuận lợi do không có người mua, giá trị thu được khi đưa ra đấu giá thấp do xe xuống cấp, hư hỏng nhiều, thậm chí chỉ bằng giá sắt vụn.

Ngoài ra, vấn đề về phòng cháy, chữa cháy cũng là bài toán nan giải, nhiều trường hợp cháy nổ đã xảy ra tại các bãi tạm giữ xe vi phạm hành chính gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân, doanh nghiệp dẫn đến tranh chấp, bồi thường...

Mặt khác, việc xe bị giữ quá lâu dẫn đến hư hỏng gần như thành phế thải đã gây ra lãng phí tài sản xã hội rất lớn trong khi đất nước, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Đây là vấn đề bất cập, cần phải các cấp có thẩm quyền quan tâm, vào cuộc xử lý ngay.

Theo quan điểm của tôi, nên bỏ quy định về tạm giữ xe vi phạm và rút ngắn thời gian đưa ra đấu giá khi chủ xe không đến giải quyết vi phạm hành chính. Theo đó, chỉ cần giữ giấy tờ xe, giấy phép lái xe và các giấy tờ nhân thân khác như căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân để đảm bảo việc xử lý vi phạm.

Trường hợp chủ xe cố tình bỏ xe thì có thể mời đến ký biên bản không nhận lại phương tiện, trả lại giấy tờ liên quan, nhanh chóng làm thủ tục đưa xe ra đấu giá, không chờ thời hiệu 1 năm như hiện nay.

Điều này vừa đảm bảo người vi phạm phải đến giải quyết, xử lý hành vi vi phạm vì bị tạm giữ giấy tờ nhân thân. Ngoài ra, nếu không bị giữ xe sẽ tạo điều kiện cho người vi phạm có thể đi làm ăn kiếm tiền để nộp phạt, đi lại để giải quyết vi phạm hạn chế tình trạng chán nản mà bỏ xe mua xe mới hoặc không thể đến làm thu tục nộp phạt lấy xe...

Thiết nghĩ, đã đến lúc nên bỏ quy định về tạm giữ xe vi phạm để đảm bảo việc xử lý vi phạm hành chính. Bởi vì, hiện nay việc quản lý công dân đã khá chặt chẽ, thuận tiện hơn nhiều so với trước đây, chỉ cần số định danh hoặc căn cước công dân sẽ dễ dàng tra cứu được nhân thân người vi phạm.

Vì vậy, quy định về buộc tạm giữ xe vi phạm đã không còn phù hợp, lỗi thời và gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực.

Bên cạnh đó, việc bỏ quy định về tạm giữ xe còn giảm bớt áp lực công việc cho cơ quan chức năng trong việc giữ gìn, bảo quản xe vi phạm cũng như về kho, bãi. Đồng thời, hạn chế tình trạng phương tiện bị tạm giữ hư hỏng, mục nát do không được bảo quản tốt gây lãng phí lớn.

Đặc biệt là nguy cơ xảy ra các vụ cháy, nổ tại các kho, bãi giữ xe vi phạm gây thiệt hại dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện đòi bồi thường thiệt hại của người dân gây mất ổn định trật tự xã hội, phức tạp, tạo điểm nóng xã hội không đáng có...                                

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn