MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nên cân nhắc việc gộp tết âm lịch và dương lịch làm một

NGÔ CHUYÊN (TỔNG HỢP) LDO | 16/11/2016 06:00
Đầu tháng 11.2016, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ hai phương án nghỉ tết 7 ngày hoặc 10 ngày. Sau đề xuất này, nhiều ý tưởng về việc nghỉ tết đã nảy sinh. Một trong những ý tưởng nhận được nhiều sự quan tâm cũng như bình luận của bạn đọc là gộp tết dương và tết âm vào làm một.

 Không nên gộp tết

Đó là ý kiến nhiều bạn đọc đưa ra. Bạn Prex viết: “Đã là Tết cổ truyền thì không thể nói gộp hay là kiểu khác vì hiệu quả này nọ. Vì nguồn gốc chúng ta nên chúng ta ăn Tết cổ truyền chứ có phải ai ép chúng ta ăn tết đâu”.

Bạn Prex cũng đưa ra thêm những lý do là còn hàng loạt ngày lễ liên quan đến Tết như: Ông Táo, cúng rẫy mả.... Còn bảo lãng phí thì có gọn lại rồi cũng kéo ra chừng ấy ngày nghỉ... không thuyết phục, quan trọng là chúng ta ăn tết như thế nào. Bên cạnh đó, tổng ngày nghỉ lễ cả năm của người lao động Việt Nam chúng ta so với các nước khu vực thì đâu có nhiều hơn.

Hội nhập là cần thiết, nhưng không thể bỏ đi những giá trị truyền thống lâu đời, bạn đọc Lê Cao Đài viết: “Tết cổ truyền gắn liền với hai từ quê hương - đất nước, gắn với bao tâm tư, tình cảm và đạo lý của người Việt Nam chúng ta. Bởi vậy, Tết âm lịch không chỉ đơn thuần như bài báo "Suy nghĩ về gộp Tết âm, Tết dương" đã nêu; chúng ta hội nhập là cần thiết, nhưng không phải bỏ đi Tết cổ truyền là chúng ta mới hội nhập; tình cảm, tâm tư người Việt Nam chúng ta khác người Tây nhiều lắm”.

Hay bạn Trần Tùng viết: “Tây người ta đón Tết dương lịch bởi khi đó là cuối đông, đầu xuân, ta đón tết âm lịch cũng vậy là đón xuân. Bỏ việc đón xuân xem ra mấy người quên mất thời điểm tết dương lịch thì hoa đào chưa nở?”.

Nhiều bạn đọc cũng lo ngại rằng, nếu gộp hai tết lại làm một thì dần dần thế hệ trẻ sau này sẽ quên đi những nét đẹp truyền thống. Bạn Nguyen Lam viết: “Tết Nguyên đán là ngày con cháu tụ họp về chúc sức khỏe ông bà, cũng là ngày mà người thân cùng nhau họp mặt chúc tụng lẫn nhau. Nếu gộp lại thì thời gian dần dần trôi, e rằng truyền thống người Việt ta sẽ dần dần mất đi”.

Phân vân việc gộp hai tết làm một

Lý giải về ý tưởng này, bạn Phú viết: “Nếu gộp 2 tết làm 1 mà vẫn giữ được truyền thống văn hoá dân tộc thì đúng là hay nhất. Vừa có thể hoà nhập vào sự năng động với thế giới, vừa giúp một phần không nhỏ vào sự tổn thất kinh tế của người dân lẫn doanh nghiệp”.

Bạn Phú cũng đưa ra thêm lý do nên gộp hai tết làm một bởi hiện nay không còn định kiến "tháng giêng là tháng ăn chơi", ăn chơi chỉ dành cho người có đủ điều kiện, chứ công nhân lao động thì "thắt lưng buộc bụng". Nhập 2 tết làm 1, đất nước giảm rất nhiều tổn thất, doanh nghiệp trong và ngoài nước không phải chịu áp lực.

Bạn Diệp Văn Sơn phân tích: “Nếu gộp lại hai loại Tết và lấy ngày trùng với Tết dương lịch thì lúc đó chúng ta chỉ nên xem việc đón nhận chuyện này của dân Việt như một dấu hiệu mở, hướng ngoại, là điều bình thường, tự nhiên trong thời kỳ thế giới hội nhập, phù hợp với quy luật và xu thế thời đại”.

Hay bạn Trân Công Dân viết: “Gộp Tết âm lịch vào cùng ngày với Tết dương lịch để phù hợp với thế giới. Giảm thời gian nghỉ trong năm, đỡ tốn kém, tăng năng suất lao động, dân đỡ khổ về tết...”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn