MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nên hay không nên có nhiều bộ sách giáo khoa?

Bạn đọc Vĩnh Linh LDO | 04/03/2021 15:54

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã gửi kiến nghị của cử tri tới Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị cần xem xét, quy định thống nhất sử dụng một bộ sách giáo khoa cho từng lớp học trong phạm vi cả nước.

Trước đây, khi dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến thì đã có nhiều tranh luận, quan điểm trái ngược liên quan đến nội dung này.

Trong đó, nhiều đại biểu cho rằng, không nên có nhiều bộ sách giáo khoa và giao cho nhà trường lựa chọn sử dụng sách giáo khoa sau khi tham khảo ý kiến phụ huynh học sinh là không khả thi thực tế. Tôi hoàn toàn đồng ý với các ý kiến này, vì việc có nhiều bộ sách giáo khoa sẽ gây ra những khó khăn, thêm phức tạp không đáng có.

Có thể nói, việc cho phép sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa và giao cho nhà trường lựa chọn là không hợp lý, tốn kém. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh.

Đặc biệt trong tình hình hiện nay, việc dạy, học và thi cử đang còn có quá nhiều vấn đề cần chấn chỉnh, giải quyết. Chưa kể đến vì chạy theo lợi nhuận, tiến độ mà nhiều bộ sách giáo khoa đầy "sạn" gây dư luận bức xúc, các cơ quan chức năng phải vào cuộc chấn chỉnh, xử lý vừa qua.

Việc quy định có nhiều sách giáo khoa sẽ gây tốn kém cho phụ huynh và lãng phí nguồn lực xã hội. Bởi vì, khi đó hàng năm, các trường lại phải tổ chức lựa chọn sách giáo khoa để đưa vào giảng dạy và thường xuyên thay đổi theo ý chí chủ quan của nhà trường, địa phương.

Việc có nhiều bộ sách giáo khoa cũng sẽ tạo ra sự không thống nhất giữa các địa phương, giữa các trường, thậm chí giữa các khóa học trong cùng một trường. Trong khi hiện nay, chúng ta đang thực hiện việc tổ chức kỳ thi chung quốc gia nên sẽ khó khăn cho học sinh khi thi cử, tiếp cận thông tin, kiến thức.

Ngoài ra, việc quy định lấy ý kiến phụ huynh cũng chỉ là mang hình thức, bởi lẽ phụ huynh thường không có nhiều kiến thức về sách giáo khoa.

Mặt khác, phụ huynh thường theo định hướng của nhà trường, vì các lý do “tế nhị” khác. Ví dụ, trên thực tế thời gian qua, các khoản thu, đóng “tự nguyện”… của học sinh đều có sự "gợi ý", chủ trương của nhà trường...

Do đó, việc ban hành nhiều bộ sách giáo khoa là không hợp lý, khoa học. Như vậy, vừa tốn kém trong việc tổ chức biên soạn, vừa tốn kém cho người học, nhất là không thống nhất với nhau giữa các trường, các địa phương.

Mặt khác, mỗi người, mỗi nhóm sẽ biên soạn, viết một kiểu khác nhau, dù có quy định khung, khống chế và phê duyệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng rất khó kiểm soát, nhất là các môn xã hội.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng chỉ nên ban hành một bộ sách giáo khoa chung trong cả nước. Đối với các sách tham khảo hoặc sách ngoại khóa thì có thể do các nhà trường tự chọn đưa vào giảng dạy phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhưng cũng chỉ giới hạn ở phạm vi cấp tỉnh để tránh việc không thống nhất, khó khăn cho học sinh.

Theo bạn đọc, chỉ nên có một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước hay có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau? Mọi ý kiến đóng góp, xin mời bạn đọc bình luận ở phía dưới bài viết để rộng đường dư luận về vấn đề này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn