MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nên tạm thời bỏ cách tính giá điện bậc thang để dân bớt khổ

Minh Bằng LDO | 12/05/2020 06:25

Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh lại vừa tiếp tục đề xuất việc tạm thời bỏ cách tính giá điện bậc thang hiện nay cho đến khi công bố hết dịch COVID-19 để hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp.

Tại buổi làm việc trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với TPHCM cuối tuần qua, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã kiến nghị Chính phủ 4 nhóm giải pháp, trong đó có những nội dung trực tiếp vì quyền lợi của người dân và doanh nghiệp như tạm dừng cách tính giá điện bậc thang cho đến khi Chính phủ công bố hết dịch.

Theo ông Phong, cả nước đang bước vào thời điểm nắng nóng nhất trong năm, nhu cầu sử dụng điện cao. Trong khi đó, doanh nghiệp vừa trải qua ba tháng ảnh hưởng nặng nề dịch COVID-19, bây giờ là giai  đoạn phục hồi sản xuất. Vì vậy, việc tiếp tục giảm 10% giá điện sau tháng 6.2020 và tạm dừng tính theo giá điện bậc thang là giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp sau thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Về vấn đề này, đại diện Bộ Công thương cho biết cách tính giá điện bậc thang đang áp dụng cho người tiêu dùng. Bộ này cũng có phương án cải tiến cách tính giá theo 5 bậc thay vì 6 bậc như hiện nay. Bộ này cũng cho biết, đến nay Bộ Công thương đã nhận được 122 ý kiến đóng góp, trong đó có 113 ý kiến chọn cách tính giá điện 5 bậc, 7 ý kiến chọn cách tính 4 bậc và chỉ có một ý kiến chọn cách tính giá điện 1 bậc.

Giá điện theo 6 bậc hiện nay 

Theo Bộ Công thương, cách tính giá điện bậc thang nhằm đảm bảo mức hỗ trợ tốt nhất cho người thu nhập thấp, mức tiêu thụ điện thấp. Nếu áp dụng giá điện một bậc thì giá điện sẽ cao hơn mức giá bậc 1 đang áp dụng cho nhóm khách hàng tiêu thụ điện thấp. Do vậy, nếu thực hiện như đề xuất của TPHCM, sẽ có 1,26 triệu hộ khách hàng thu nhập thấp sẽ phải trả thêm tiền điện.

Tuy nhiên, cách đây đúng một năm, cử tri TPHCM khi tiếp xúc với Đại biểu Quốc hội cũng đã nêu yêu cầu về việc tính giá điện 1 bậc. Lý do tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh thì rất ít gia đình nào sử dụng mức dưới 50kwh (bậc 1), du nhu cầu sử dụng điện ở đô thị cao nên người dân dù không giàu có vẫn chạm mức giá điện bậc 3, bậc 4. Chính vì thế, cơ cấu giá điện bậc thang như hiện nay thực chất không hỗ trợ được cho những người có thu nhập thấp tại các đô thị lớn.

Cho đến lúc này, việc thanh tra về giá điện theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa được công bố. Gói hỗ trợ giảm 10% đối với điện sinh hoạt sẽ chỉ bắt đầu từ kỳ thu tiền điện tháng 5,6,7 nghĩa là thời điểm mà người dân phải dùng điện và trả tiền điện nhiều nhất năm.

Mức giảm 10% dù đáng quý nhưng khó bù vào các khoản phát sinh do mức sử dụng chạm giá điện bậc 3,4. Khi đó, hoá đơn tiền điện tăng 30-40%, thậm chí gấp nhiều lần nên dù có giảm 10% thì người dân vẫn phải trả tiền điện cao hơn trung bình các tháng trước đó.

Theo khảo sát của một nhóm chuyên gia, tháng 3 vừa rồi hoá đơn tiền điện đều tăng từ 30-50% do người dân ở nhà, thực hiện giãn cách xã hội, nên giảm giá điện 10% thực sự rất nhỏ giọt, người càng nghèo càng ít được lợi.

Tạm thời bỏ cách tính giá điện bậc thang hiện nay cho đến khi công bố hết dịch COVID-19, đưa ra một mức giá hợp lý mới chính là giải pháp cấp bách, cần thiết với người dân để vượt qua khó khăn COVID-19 gây ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn